Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) vừa công bố lãi suất tiết kiệm tháng 4/2022, trong đó có nhiều kỳ hạn được điều chỉnh tăng tới 0,3% so với tháng trước. Kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% lên 6,5%/năm; kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1% lên 6,6%/năm; kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3% lên 6,8%/năm.
Nếu gửi trực tiếp tại quầy thì lãi suất của NamABank cao nhất là 6,7% cho kỳ hạn từ 18-23 tháng, nhưng nếu gửi tiết kiệm bằng hình thức online thì lãi suất là 7,2% cho kỳ hạn 12-15 tháng và cao nhất là 7,4% cho kỳ hạn 16 tháng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6% một năm ở kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm, tăng 0,5% một năm ở kỳ hạn 9 tháng là 6,4%/năm và 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm. Ở cùng một kỳ hạn gửi, nếu gửi tiết kiệm online luôn cao hơn gửi trực tiếp tại quầy, như kỳ hạn 6 tháng nếu gửi tại quầy chỉ có 5,4%/năm nhưng nếu gửi online lên đến 6,2%/năm.
Còn tại ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (VietCapitalBank), khi gửi bằng hình thức online, lãi suất cũng được điều chỉnh tăng 0,2%/năm, hiện giữ mức 7% cho kỳ hạn 24 tháng và 6,9% cho kỳ hạn 18 tháng.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, nhiều ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm - Ảnh: Ngân hàng An Bình (ABBANK) cung cấp |
Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng hình thức online tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng cao hơn từ 0,1-0,4%/năm so với lãi suất gửi trực tiếp tại quầy ở cùng kỳ hạn gửi. Chẳng hạn, nếu gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng thì lãi suất là 3,6%/năm nhưng nếu gửi online sẽ là 3,9%/năm. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Hiện khách đều chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn khoảng 12 tháng thay vì kéo dài đến 24 hoặc 36 tháng như trước. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất là ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SBC) với 7%/năm, kế đến là VietcapitalBank và BacABank với lãi suất 6,6%/năm.
Các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi của cư dân trong bối cảnh lượng tiền gửi của người dân đang tăng chậm lại. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số dư tiền gửi của người dân luôn được ghi nhận ở mức cao hơn so với tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế với mức chênh lệch từ vài trăm nghìn tỷ đồng cho tới cả triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tiền gửi của người dân tại các ngân hàng có xu hướng tăng chậm lại. Tiền gửi của người dân trong năm 2021 chỉ tăng khoảng 3,08% so với cùng kỳ, trong khi đó tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh ở mức 15,73% so cuối năm 2020.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính, tiền gửi cư dân giảm mạnh là do mặt bằng lãi suất huy động duy trì thấp trong hai năm qua. Nhiều người dân không còn mặn mà gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản. Trong tháng 2/2022 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 210.000 tài khoản chứng khoán, tăng 16.000 so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).
Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, ông Thịnh cho rằng kinh tế đang mở cửa, nhu cầu về vốn từ đây đến cuối năm sẽ tăng cao, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể sẽ tăng dần theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế và diễn biến lạm phát. Mục tiêu trong năm 2022 của Chính phủ là hỗ trợ phục hồi kinh tế nên sẽ cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định không để tăng lên. Còn việc kỳ vọng lãi suất cho vay xuống thấp sẽ khó vì nguồn lực của ngân hàng có hạn.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.3980641a-meik-teit-taus-ial-gnat-gnah-nagn-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www