Thời gian gần đây, sự việc 9 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng do tập đoàn Tân Hoàng Minh bị yêu cầu hủy gây xôn xao thị trường tài chính. Cụ thể, 9 lô trái phiếu bị hủy của 3 công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, CTCP Cung điện mùa đông và CTCP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil Tân Hoàng Minh có giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Theo thông tin tiết lộ của các công ty chứng khoán tư vấn phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh có 2 lô trái phiếu giá trị 1.600 tỷ đồng được bán hoàn toàn cho công ty TNHH khách sạn Tân Hoàng Minh. Việc mua bán nội bộ giữa các công ty thành viên cho thấy một hiện tượng nguy hiểm không chỉ ở Tân Hoàng Minh mà còn ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Lý do hủy 9 lô trái phiếu được Ủy ban chứng khoán nhà nước đề cập là công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong quá trình phát hành trái phiếu riêng lẻ. Căn cứ vào công bố thông tin HNX ở lô phát hành 16/12/2021 năm ngoái dù huy động tới 3.230 tỷ đồng nhưng Công ty Cung điện mùa đông không nêu rõ mục đích phát hành. Trùng hợp là 1 vài ngày trước đó công ty Ngôi sao Việt đã trúng đấu giá lô đất vàng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó bỏ cọc.
Mục tiêu tiêu cụ thể của lô phát hành này là gì cần chờ thêm điều tra từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên phóng sự mới đây do VTV thực hiện, các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp không công bố thông tin rõ ràng không loại trừ khả năng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để làm công cụ đảo nợ. Dùng tiền của người mua trái phiếu sau để trả tiền cho người mua trái phiếu trước. Phương thức này tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ domino như đa cấp biến tướng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Rủi ro huy động qua trái phiếu doanh nghiệp sai mục đích
“Mục đích phát hành trái phiếu nhất là đầu tư bất động sản thì bản chất là trái phiếu chưa sinh lời. Chưa sinh lời thì doanh nghiệp chưa có khả năng tạo ra nguồn tiền để trả nợ trái phiếu ngắn hạn được. Nhưng các nhà đầu tư chỉ muốn mua ngắn hạn thôi nên doanh nghiệp phải đưa vào các điều khoản mang tính ngắn hạn. Khi đưa vào các điều khoản mang tính ngắn hạn đó mà nhà đầu tư bán lại trái phiếu hoặc là cam kết mua lại thì nguồn tiền từ đâu mà ra thì chỉ còn cách phát hành trái phiếu tiếp theo. Phát hành trái phiếu đảo nợ rất nhiều. Và mỗi lần sau phát hành trái phiếu thì lãi suất lại cao hơn lần trước. Dẫn tới việc lãi chồng lãi và rủi ro là người mua càng về sau thì rủi ro càng lớn hơn.”, ông Phan Lê Thành Long trả lời phỏng vấn VTV.
Trái phiếu vốn là công cụ tài chính mang tính dài hạn. Tuy nhiên tâm lý của nhà đầu tư lại thường không ưa thích nắm giữ trong thời gian dài dù rằng lãi suất có hấp dẫn. Vậy nên để trái phiếu hấp dẫn hơn nữa trong mắt nhà đầu tư, các doanh nghiệp thường đưa ra các điều khoản cam kết mua lại trước thời hạn đáo hạn. Thậm chí nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ 6 tháng bán lại vẫn có lãi vài phần trăm. Điều này tạo ra cho đại bộ phận người dân cảm giác trái phiếu như một dạng tiết kiệm ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn. Nếu nhìn theo cách này của số đông, chỉ dựa vào lãi suất cao hay thấp hơn thì thời gian qua trái phiếu Tân Hoàng Minh phát hành là hấp dẫn hàng đầu thị trường. Thông tin từ VTV cho biết lãi suất các đợt phát hành của trái phiếu Tân Hoàng Minh đều khoảng 12%/năm.
Thế nhưng sau sự kiện vừa qua có lẽ nhiều nhà đầu tư đã hiểu hơn về độ rủi ro trên thị trường trái phiếu nói riêng và đầu tư nói chung. Lãi suất cao đồng nghĩa với rủi ro cao. Một doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi cao như vậy là một doanh nghiệp đang quá khát dòng tiền.
“Cùng làm một deal Tân Hoàng Minh kỳ hạn ngắn 6 tháng đến 1 năm thì nhà đầu tư thấy kỳ hạn 6 tháng doanh nghiệp đảm bảo được nghĩa vụ nợ với khách hàng, với nhà đầu tư, với trái chủ thì tin rằng doanh nghiệp uy tín. Thế là năm thứ 2, năm thứ 3 họ tiếp tục mua. Vấn đề ở đầy là nhà đầu tư được tạo một thói quen đây là một trái phiếu tốt, uy tín, mình không có phản biện đối với deal đầu tư nữa. Nhà đầu tư có thể mất tiền ở những deal sau chứ không phải những deal đầu.
Đấy là tâm lý khi mình đã thấy cơ hội kiếm lời mà khá nhàn thì họ sẽ có xu hướng đổ thêm tiền vào. Mắc bẫy ở những đoạn về sau chứ không phải đoạn bắt đầu. Bởi vì những đoạn bắt đầu họ chỉ đầu tư 500 triệu đến 1 tỷ thôi nhưng họ đã cảm thấy kênh này rất hấp dẫn. Khi họ đặt niềm tin vào kênh trái phiếu rồi họ có thể đổ tới 50 tỷ, 100 tỷ cũng có”, ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên gia tư vấn đầu tư trái phiếu cho biết.
Trách nhiệm một phần thuộc về nhà đầu tư nhưng VTV cũng đặt ra câu hỏi trách nhiệm đối với các đơn vị phân phối trái phiếu là ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Chia sẻ bên lề riêng với phóng viên Bản tin tài chính kinh doanh, hoa hồng cho một môi giới hay nhân viên tư vấn trong 1 deal bán trái phiếu thành công cho nhà đầu tư khoảng 0,2%. Ví dụ bán được trái phiếu trị giá 500 triệu đồng thì hoa hồng là 1 triệu đồng.
Nhưng riêng với trái phiếu Tân Hoàng Minh hoặc một số doanh nghiệp bất động sản khác hoa hồng là 1%. Như vậy bán được 500 triệu đồng thì hoa hồng cho môi giới là 5 triệu đồng. Bán càng nhiều thì càng có lợi cho bên môi giới càng lớn. Và trước cái lợi lớn như vậy không khỏi nhiều ngân hàng, các công ty chứng khoán đang tìm mọi cách để đưa trái phiếu đến tay nhà đầu tư cá nhân.
Biết trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã liên tục có nhiều cảnh báo trong nhiều năm qua và đã có quy định sửa đổi rằng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp được mua trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên VTV cho biết mức độ chứng minh độ chuyên nghiệp giờ có thể làm được với giá vài triệu đồng giấy chứng nhận.
Hiện nay trái phiếu phát hành ra công chúng, niêm yết có độ minh bạch cao chỉ chiếm 4% trong khi trái phiếu phát hành riêng lẻ với tiêu chuẩn công bố thông tin thấp hơn, độ rủi ro cao hơn đang chiếm tới 96%. Chuẩn hóa các thủ tục phát hành ra công chúng, tổ chức xếp hạng tín dụng trái phiếu doanh nghiệp là những đề xuất được nhắc đến nhiều nhưng cho đến giờ mới thấy được tính cấp bách.
http://tintuc.vdong.vn/04/1303117.htmMộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế