vĐồng tin tức tài chính 365

Hàng trăm hộ gặp khó tái định cư dự án thủy điện

2022-04-07 07:19

Tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hàng loạt dự án tái định cư của các hồ thủy điện đang rơi vào tình cảnh bế tắc. Một số dự án thủy điện đã đi vào vận hành từ lâu nhưng tình hình tái định cư của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nơi định cư hoang tàn, cư dân thưa thớt

Sau hơn 10 năm, dự án tái định cư cho 300 hộ dân của dự án hồ thủy điện Plei Krông (huyện Đắk Hà) do UBND huyện Đắk Hà làm chủ đầu tư vẫn còn dang dở. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2009 đến 2015, số vốn gần 150 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay dự án chỉ di dời được 126 hộ dân trong khi kinh phí đã giải ngân 134 tỉ đồng.

Hàng trăm hộ gặp khó tái định cư dự án thủy điện - ảnh 1
Dự án nhà ở tại xã Đắk Long, Đắk Hà, căn nhà tái định cư chỉ có bộ khung, dân không đến ở. Ảnh: LÊ KIẾN


Theo ghi nhận của PV tại khu vực tái định cư, nơi đây khá hoang tàn, dân cư thưa thớt. Nhiều ngôi nhà dự án dựng lên chỉ có bộ khung và phần gạch... Không ít hộ dân di dời lên khu tái định cư đã tìm về nơi ở cũ do khu tái định cư quá xa đất sản xuất, thiếu nước và đất làm rẫy.

Nói về cuộc sống nơi đây, chị Y Tuyền (trước ở làng Long Loi, thị trấn Đắk Hà) cho hay: “Gia đình tôi lên đây ở từ năm 2019, ở đây thiếu nước, thiếu đất sản xuất. Bà con ở làng cũ không ai muốn lên vì ở đây không có đủ nước sinh hoạt, đào giếng thì gặp đá”.

Tương tự, chị Y Xuyên (trước ở thôn Đắk Mút, xã Đắk Mar) nói: “Khi cơ quan chức năng vận động chúng tôi lên khu tái định cư này, họ hứa hẹn sẽ cấp vườn cây cà phê, đất sản xuất, hỗ trợ tiền xây nhà… Tuy nhiên đến nay, đất sản xuất cấp không đủ, tiền hỗ trợ làm nhà quá ít, giếng thì không có nước”.

Cùng chung tình cảnh, khu dự án tái định cư của hồ thủy điện Đắk Đrinh (xã Đắk Nên, huyện Kon Plông) do UBND huyện Kon Plông làm chủ đầu tư cũng khiến 192 hộ, với 843 nhân khẩu gặp khó khăn. Dù hồ thủy điện này phát điện thương mại từ năm 2014 nhưng cuộc sống của những hộ dân khu tái định cư dự án vẫn bấp bênh.

Hiện tại, những căn nhà tái định cư đã hư hỏng nghiêm trọng, nhiều căn nhà bỏ hoang do dân không đến ở. Theo thống kê của UBND xã Đắk Nên, dự án thủy điện Đắk Đrinh có trên 50 căn bị bỏ hoang, kinh phí tái định cư phát sinh hơn 33 tỉ đồng.

Dự án dang dở nhưng đã… khép lại

Về tình trạng của người dân khu tái định cư dự án hồ thủy điện Plei Krông, trao đổi với PV, ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà, cho biết đối với các trường hợp chưa có nhà, chưa có đất cho dân tái định cư, Ban Thường vụ huyện tiếp tục báo cáo với tỉnh để làm dự án tái định cư cho bà con.

“Đối với dự án Plei Krông, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp xin ý kiến của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã cho khép lại dự án này để thanh quyết toán. Đồng thời tiếp tục vận động dân lên ở các căn nhà đã xây dựng để định cư” - ông Thành nói.

Đối với dự án tái định cư của dự án thủy điện Đắk Đrinh, ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nên, lý giải tình trạng dân không đến ở nhà tái định cư: “Thứ nhất, họ không quen nơi ở mới, thứ hai là nhà xa khu sản xuất”.

Trao đổi thêm về dự án tái định cư thủy điện Đắk Đrinh, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đang chờ ý kiến của bộ, ngành trung ương về hướng giải quyết theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 2440 và Công văn số 50 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ phát sinh thêm tại dự án thủy điện Đắk Đrinh.•

 

Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm nhiều dự án thủy điện

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Kết kuận số 222 ngày 18-2, chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai phạm liên quan đến các dự án thủy điện ở tỉnh Kon Tum.

Thanh tra kết luận: Việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa của tỉnh Kon Tum còn chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng môi trường, đất rừng. Quy hoạch 81 công trình thủy điện, chiếm 1.158 ha đất rừng, có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư… Đặc biệt, thanh tra còn điểm mặt ba dự án thủy điện lớn có nhiều sai phạm, vi phạm trong quá trình triển khai.

Cụ thể, dự án thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông) do Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2010. Dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn hơn 9.400 tỉ đồng. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư tự ý đổ đất, đá thải hàng triệu mét khối…

Dự án thủy điện Đắk Re (huyện Kon Plông) do Công ty CP Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2007. Khi điều chỉnh quy mô từ 30 MW lên 60 MW, chủ đầu tư không làm báo cáo tác động môi trường… Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đổ thải trái phép, ước tính khoảng 110.513 tấn.

Tương tự, dự án thủy điện Đắk Psi 6 (tại huyện Đắk Hà và Đắk Tô) do Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Psi 6 làm chủ đầu tư. Quá trình san ủi, đào đất, chủ đầu tư đổ chất thải trái phép gây thu hẹp lòng sông Đắk Psi, chiếm dụng đất sai quy định…

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý hành vi chiếm dụng đất, đổ thải trái quy định của các dự án thủy điện trên và khắc phục sai phạm. Trong trường hợp không chấp hành, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiến hành cưỡng chế.

 

Xem thêm: lmth.5182501-neid-yuht-na-ud-uc-hnid-iat-ohk-pag-oh-mart-gnah/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hàng trăm hộ gặp khó tái định cư dự án thủy điện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools