Bộ Tài chính Nga hôm 6/4 thông báo đã dùng ruble để trả khoảng 650 triệu USD nợ phát hành bằng USD sau khi bị chính phủ Mỹ chặn tiếp cận với số đôla đang để trong các ngân hàng Mỹ.
Họ cho biết đã chuyển số tiền này đến Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga (NSD) và coi như các nghĩa vụ nợ "đã hoàn tất". Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đã khiến ngân hàng phương Tây khó tiếp cận số ruble trong các tài khoản tại ngân hàng Nga. Bộ Tài chính Nga cho biết nếu nước này được tiếp cận dự trữ ngoại hối ở nước ngoài, số ruble trên cũng sẽ được chuyển thành đôla.
Các hãng xếp hạng tín nhiệm thì cảnh báo sẽ tuyên bố Nga vỡ nợ sau thời gian ân hạn, nếu không thanh toán bằng đồng tiền phát hành. Khoản nợ đáo hạn hôm 4/4 có thời gian ân hạn 30 ngày và không có điều khoản hoàn trả bằng đồng tiền khác ngoài đôla Mỹ.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến Bộ Tài chính Mỹ siết trừng phạt các tổ chức tài chính Nga. Cơ quan này cho biết muốn buộc Nga sử dụng ngoại tệ dự trữ hoặc tìm đôla Mỹ từ nguồn mới để tránh vỡ nợ.
Tuần trước, Nga mua lại 75% số nợ đáo hạn hôm 4/4 (khoảng 2 tỷ USD) bằng ruble. Họ cho biết phần còn lại – 552 triệu USD và tiền lãi – vẫn sẽ được hoàn trả. Tiền lãi cho một lô trái phiếu khác cũng đến hạn trả cùng hôm đó.
Nga trước đó cảnh báo nếu các ngân hàng nước ngoài không xử lý việc trả nợ theo yêu cầu của họ, khoản nợ sẽ được thanh toán bằng ruble. Hôm 6/4, Bộ Tài chính Nga cho biết việc này đã xảy ra "vì hành động thiếu thân thiện của Bộ Tài chính Mỹ".
Từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt được áp dụng, hoạt động trả nợ của Nga được theo dõi sát sao. Trước hôm 4/4, Nga vẫn thanh toán được bằng đôla Mỹ, do vẫn được chính phủ Mỹ chấp thuận.
Một nguồn tin thân cận cho biết trên NYT rằng JPMorgan Chase bị giới chức yêu cầu không xử lý giao dịch trả nợ của Nga. Trước đó, họ được chấp thuận xử lý 5 khoản thanh toán khác của Nga sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng.
Hà Thu (theo New York Times)