Đó là nhận định của Thứ trưởng Tài Nguyên & Môi trường Lê Công Thành tại cuộc cuộc họp báo Chính phủ mới đây.
Theo Thứ Trưởng, ngoài việc nhiều người lợi dụng quy hoạch để mua gom, thu lời, có hiện tượng thông đồng trong đấu giá... đẩy giá đất tăng vọt. Một trong số nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chọn đất đai, vàng... làm kênh đầu tư, trú ẩn tài sản là dịch hai năm qua làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước, toàn cầu, ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất.
"Có hiện tượng để lộ thông tin, sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá và người tham gia...", ông Thành nói.
Hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương, theo Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, đã làm mất đi ưu thế thu hút vốn đầu tư, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Vì vậy, ông cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó quy định cụ thể hơn về đấu giá tài sản quyền sử dụng đất.
Tình trạng sốt giá đất dự án, đất nền xảy ra từ đầu năm ngoái tại một số tỉnh, thành như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, hay Thanh Hoá, Nghệ An... nhưng tới giữa năm thì hạ nhiệt sau sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cuối năm ngoái và đầu năm nay, sốt đất quay trở lại ở một số địa phương.
"Sốt đất tái xuất bất chấp việc cơ quan chức năng đã có nhiều đoàn kiểm tra tại các địa phương để quản lý tốt hơn hoạt động đấu giá đất, ngăn sự bất thường giá đất vừa qua", vị Thứ trưởng cho hay.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngay từ tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng cũng đã có các công điện về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường BĐS, trục lợi…
Do đó, Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý 2/2022.
Đặc biệt, cần nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cũng tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, một vấn đề nổi lên là tình hình vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành một số biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời và tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra những vấn đề có liên quan để làm lành mạnh thị trường.
Có thể thấy, đất liên tục tái sốt đang gây những bất ổn cho thị trường BĐS. Từ đó, nhiều chỉ đạo được đưa ra liên tục, tuy nhiên tình hình chưa lắng xuống rõ nét. Hoặc thị trường hạ nhiệt một thời gian rồi tiếp tục nóng lên. Các chuyên gia bất động sản đánh giá, nguồn cung bất động sản giảm, trong khi 2 năm qua, sản xuất kinh doanh gặp khó, nguồn tiền đầu tư được người dân lựa chọn đổ vào đất đai. Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng xuống thấp đã không còn là kênh hấp dẫn. Đây là trong số các nguyên nhân khiến đất đai luôn tăng nhiệt.
Từng chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, tăng giá bất động sản phải tỷ lệ thuận với tăng đầu tư thực sự để tạo ra những giá trị về hạ tầng, về đời sống và về dịch vụ cho những vùng được kết nối và đầu tư đến đâu thì giá trị tăng đến đó. Tăng giá bất động sản giai đoạn bắt đầu mới công bố kế hoạch, quy hoạch là đúng quy luật nhưng tăng ở mức độ 5 - 7% thì là hợp lý còn nếu tăng quá nhiều thì là bất bình thường. Bất động sản sẽ tăng theo hạ tầng nhưng đó phải là đầu tư thật, tăng ở mức 20 - 30% trong thời gian ngắn là tăng ảo.
https://cafef.vn/sot-dat-tai-xuat-bat-chap-20220406121609663.chnTheo Bảo Anh
Nhịp Sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.22440235160402202-pahc-tab-taux-iat-tad-tos/nv.zibefac