vĐồng tin tức tài chính 365

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo: Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội

2022-04-07 10:02
Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo: Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội - Ảnh 1.

Chàng trai trẻ André Đặng ngồi ghế quản lý gara Méto của nhà Pentecost ở Nouméa vào năm 1964, chỉ sau 3 tháng làm việc - Ảnh: Sophie Nguyễn chụp lại

Cuộc đời đầy gian nan và phấn đấu liên tục của ông đã tạo nên tên tuổi ở xứ lạ quê người và cũng là minh chứng cho lịch sử kiên cường của bao người Việt tha hương.

Khi kể về cha mình, bà Raymonde Đặng luôn dùng những từ ngữ đẹp đẽ nhất với sự kính trọng có thể nói là khôn tả. 

Thỉnh thoảng trong buổi nói chuyện, khi để chắc về thông tin mình kể lại, người phụ nữ 68 tuổi lại cầm điện thoại gọi về cho cha mình ở Tân Đảo. Giọng bà lại như ngọt ngào hơn và kết thúc cuộc đối thoại với cha luôn là câu nói "Con hôn cha".

Vết thương lòng ở tuổi thơ

Ngay cả khu resort mà bà Raymonde (tên Việt là Nguyệt) đang quản lý ở gần Mũi Né cũng là khu đất mà cha bà đã mua nhiều năm trước. 

"Cha tôi có suy nghĩ của người Việt gốc Bắc "người sinh thêm chứ đất không sinh thêm", nên có tiền là ông luôn nghĩ đến chuyện đầu tư mua thêm đất đai". Ngoài khu đất lớn ở Mũi Né này, ông André Dang (Đặng Văn Nha) còn có hai khu đất ở Hà Nội và Thủ Đức (TP.HCM).

Nhưng những phần đất đai ở Việt Nam này tuy vậy không thể sánh với đất đai ông có ở Úc và đương nhiên là ở Tân Đảo - nơi ông chào đời năm 1936. Trong cuốn sách Mystère Dang (tức "Bí ẩn Đặng") viết cách đây hơn 10 năm, hai nữ nhà báo Pháp Anne Pitoiset và Claudine Wéry từng viết: "Ta không thể hiểu được cuộc đời của André Đặng nếu không xem xét đến lai lịch của ông. 

Cái chết đầy bi kịch của người cha, phải sống trong tình cảnh nửa nô lệ tại các mỏ nickel ở Tân Đảo, cộng với cuộc sống cùng cực của người mẹ đã buộc lòng phải đem con đẻ của mình làm con nuôi người khác, đã gây trong ông một vết thương lòng không bao giờ hàn gắn được".

Bà Nguyệt kể trong những lần trò chuyện và cũng là dạy dỗ con cái của mình, ông Đặng thường nhắc lại chuyện mình là cậu bé gốc Việt dù nhỏ con nhưng vẫn bị đẩy ngồi xuống cuối lớp cùng với nhóm học sinh người bản địa. 

Từ khi 6 - 7 tuổi, ông đã ý thức được sự phân biệt đối xử của "người Tây" - cách người Việt ở Tân Đảo gọi người Pháp quốc - với các nhóm dân khác, đặc biệt là với người bản địa (mà người Việt thường gọi là "Đen" do dựa theo màu da nâu đen của các nhóm thổ dân bản địa vùng quần đảo xung quanh là biển này). 

Trong mắt người Tây thì người bản địa, người Việt, người Nhật, người Indonesia chỉ là những công cụ lao động tay chân đem lại lợi nhuận cho họ.

Cha ông Đặng là một trong hàng ngàn trai tráng ở miền Bắc Việt Nam từng đăng ký đi phu theo lời kêu gọi của chính quyền đô hộ Pháp lúc bấy giờ. Cuộc sống thôn quê nghèo, làm nhiều đời không đủ ăn nên khi có lời mời gọi đi làm theo hợp đồng năm năm, lương bổng đàng hoàng thì không ít người đã chọn cách ra đi với mong ước đổi đời.

Năm 1935, cả cha và mẹ ông Đặng đều bỏ lại gia đình riêng của mình ở quê nhà để lên tàu thủy từ Hải Phòng lênh đênh biển trời cả tháng mới sang được Tân Đảo. Cuộc đời họ từ đây chỉ là những con số vô hồn trong cách quản lý của chủ Tây. Tên thật cha sinh mẹ đẻ của mình thì họ tự nhớ và đặt tên cho con cũng rất đơn giản: cha là Đặng Văn Nhã thì con là Đặng Văn Nha.

Lương bổng làm phu đồn điền hay làm trong hầm mỏ thì có đó, nhưng môi trường và điều kiện lao động không phải như những gì quảng bá ban đầu. Cha ông Đặng, vì thế, đã qua đời ở tuổi 37 do tai nạn lao động khi làm cầu cảng trên bán đảo Kataviti. 

Ông mất vào giữa tháng 11-1937, khi ông Đặng mới được một tuổi rưỡi. Mẹ ông thế là một nách nuôi con đầy thiếu thốn, bởi phụ nữ đi làm xa thì lương bổng không thể bằng đàn ông.

Năm ông lên bốn tuổi, bà mẹ đành cắt ruột giao con cho một gia đình trẻ người Việt hiếm muộn khi đó sinh sống ở thủ phủ Nouméa của Tân Đảo. Đây cũng chính là bước ngoặt làm thay đổi cả cuộc đời ông Đặng, chắp cánh cho ông trở thành con người kiên cường của ngày nay.

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo: Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội - Ảnh 2.

Công nhân và cai ở mỏ Tipouet trên núi Koniambo của Tân Đảo vào năm 1912 - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại

Tự thân đổi thay số phận

Bước chân đến trường, nhìn thấy sự phân biệt đối xử khiến ông muốn "đảo ngược đường cong của số phận và sửa chữa những bất công của quá khứ, đi ngược lại lịch sử, báo thù chế độ thực dân" như cách nhìn nhận của hai nữ nhà báo Pháp.

Chính sự thông minh, hiếu học vốn có và những kiến thức từ trường học đã là đôi cánh đưa ông thoát khỏi số phận vốn đặt sẵn cho bao thế hệ người bản địa và nhập cư ở Tân Đảo: bán sức lao động để kiếm sống!

Ông Đặng học giỏi và có chí từ nhỏ nên đã may mắn được thầy giáo thương tình chỉ dẫn thêm. Cái tính tằn tiện, chăm làm và óc kinh doanh giỏi giang đã bộc lộ từ khi ông còn rất nhỏ.

Từng gặp khoảng 200 nhân vật, gồm cả bạn bè đối tác lẫn đối thủ trong đời kinh doanh, hai nhà báo Pháp đi đến kết luận: "Con người đó tự đặt cho mình một chủ đích, không bao giờ đi chệch hướng vì một trở ngại nào khác. Không bao giờ ông tự coi mình như nạn nhân của lịch sử, mà trái lại, ông luôn luôn từ chối định mệnh, không đi theo con đường tưởng như đã vạch sẵn tất cả: "Tôi là người Việt Nam, tại sao tôi không thể làm được những gì người khác làm?". 

Nỗi niềm day dứt này đã trở thành châm ngôn trong cuộc đời ông".

Thuở nhỏ, khi có giai đoạn trở lại sống với mẹ ruột để phụ mẹ chăm các em kế, ông Đặng từng vừa học vừa đi hái rau muống ra chợ bán giúp tiền cho mẹ. Ông trở thành hiền huynh thế phụ, không nề hà bất cứ việc gì. Cả ngày chỉ ngủ vài giờ đồng hồ, không có thời gian dành cho bản thân.

Cách sống ấy dường như là định mệnh cả đời ông. Trong công việc sau này, ông tạo cơ nghiệp cho gia đình rồi làm thay đổi cuộc sống của nhóm "dân Đen" bản địa. Ông dành không ít tình cảm cho những người bản địa luôn bị ức hiếp, bởi ông đã tận mắt chứng kiến điều đó trong lớp học lẫn ngoài cuộc sống.

Từ năm 1863, Nouvelle Calédonie - thuộc nhóm quần đảo Nam Thái Bình Dương - được chính quyền Pháp quốc chọn làm nơi giam giữ tù nhân có mức án 8 năm trở lên. Mười năm trước đó, đô đốc Febvrier-Despointes đem quân đánh chiếm Nouvelle Calédonie cho Napoléon đệ tam.

"Đày biệt xứ ra đảo" là cách chính quyền vừa loại trừ thành phần có thể gây hại cho an ninh vừa là nguồn nhân lực khai thác mỏ quá khan hiếm nhân công. Đoàn tù nhân đầu tiên đến Nouvelle Calédonie vào ngày 9-5-1864. Trong hơn 30 năm, đã có 30.000 tù nhân được đưa ra lãnh thổ hải ngoại vốn cách xa "mẫu quốc" tới 16.136km.

Ngày 10-12-1863, kỹ sư Jules Garnier tìm thấy quặng nickel ở Nouvelle Calédonie và mở ra cơ hội khai thác...

Khoảng năm 1873 - 1874 xảy ra cơn sốt giá nickel lần nhất, nên việc khai thác quặng mỏ được tăng tốc đầu tư. Người Kanak bản địa không thích làm việc nặng nhọc trong hầm mỏ. Đến năm 1890, do nhu cầu nhân lực, chính quyền Pháp cho phép mộ phu.

Nhóm nhân công châu Á được đưa đến đây, bắt đầu là Đông Dương (mà thật ra chủ yếu là người Việt Nam), sau đó là người Nhật và Indonesia.

Từ năm 1891 đến 1940 đã có khoảng 20.000 người Việt điểm chỉ hoặc ký tên vào bản hợp đồng kéo dài 5 năm để lên tàu đi Nouvelle Calédonie.

**********

Gia cảnh khó khăn đã khiến ông Đặng Văn Nha trau dồi tính cách con người mình từ bé. Luôn trong vai trò người anh lớn trong nhà nên ông chọn cách đứng ra gánh vác mọi việc như một người đàn ông trưởng thành.

>> Kỳ tới: Không đầu hàng số phận

100 năm người Việt ở Tân Đảo - Kỳ 2: Tự do và thành đạt100 năm người Việt ở Tân Đảo - Kỳ 2: Tự do và thành đạt

TTO - Ngày tết truyền thống của người Việt ở Tân Đảo - Vanuatu cũng có gói bánh chưng, cũng có phong bao lì xì và những lời chúc tụng đầy thơm thảo, yêu thương.

Xem thêm: mth.20922310260402202-iod-ud-oht-iout-1-yk-oad-nat-ux-uhp-it-iot-ahc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo: Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools