Bữa cơm gia đình trong "Thưa mẹ con đi" khắc họa tính cách các nhân vật và dự báo trước sóng gió - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Mâm cơm trên phim ảnh đâu chỉ đơn thuần là cơm, canh, thịt, cá. Giống như trong đời thực, mâm cơm trên phim là nơi gia đình tụ họp, nói những chuyện quan trọng và bộc lộ tính cách cũng như mối quan hệ phức tạp của họ.
Trên bàn ăn, chúng ta chẳng mấy khi che giấu được mình. Đó là khi chúng ta sống với niềm đam mê nguyên thủy: ăn.
Và không chỉ ăn, ẩm thực còn được gắn với những ý nghĩa sâu xa: văn hóa của một xứ sở, sự gắn kết người với người và cũng thường được dùng làm ẩn dụ, gợi liên tưởng đến tình dục... Chủ đề nấu ăn trên phim được bàn luận tại Salon văn hóa Cà phê thứ Bảy tối 6-4.
Trên màn ảnh, nhân vật trổ tài nấu nướng, bày ra những đĩa thức ăn để gia đình, bạn bè thưởng thức. Còn trong đời thực, đạo diễn đang bày ra những "món ăn" là các nhân vật và câu chuyện của mình để khán giả thưởng thức.
Trịnh Đình Lê Minh - nhân vật chính của buổi trò chuyện - là đạo diễn đam mê nấu ăn và đưa cảnh nấu ăn lên phim. Từ phim ngắn Mùi hương nước mắm (The Scent of Fish Sauce) đến các phim chiếu rạp Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình, anh luôn chủ động thêm vào kịch bản những phân cảnh nấu và ăn để khắc họa tính cách nhân vật.
Cảnh phim "Mùi hương nước mắm" - Ảnh: Liên hoan phim Palm Springs
Trong Mùi hương nước mắm có chàng trai Mỹ vốn căm ghét nước mắm. Nhưng anh đã dần yêu mùi vị của món "cá chết" này sau khi được một cô gái Việt nấu ăn cho. Nhưng (lại nhưng), những bữa ăn Việt ngon miệng và lạ miệng ấy chẳng thể níu chân chàng trai được lâu, khi anh đã quá quen với những chiếc hamburger và đồ ăn nhanh của phương Tây.
Hai nhân vật mở đầu mối quan hệ với một mâu thuẫn văn hóa, kết thúc cũng vì một mâu thuẫn văn hóa, thông qua những món ăn. Thậm chí, cảnh làm tình cũng là sự đối lập văn hóa - giới tính: chàng trai vồ vập nhưng tình cảm hời hợt, cô gái rụt rè nhưng tình cảm sâu đậm.
Dấu ấn văn hóa trong các cảnh nấu và ăn luôn đậm nét, vì món ăn và cách chế biến gắn với mỗi xứ sở, không thể tách rời. Trịnh Đình Lê Minh kể rằng diễn viên Ánh Hoa từng bay từ Việt Nam sang Pháp chỉ để quay cảnh xào rau trong phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bởi, món rau xào ấy phải là bàn tay của một người Việt Nam thực hiện mới đúng chất.
Gian bếp quen thuộc nơi các nhân vật nấu những món ăn Việt trong "Mùi đu đủ xanh" - Ảnh: Lazennec Production
Phim Thưa mẹ con đi của Trịnh Đình Lê Minh có 3 cảnh bữa cơm gia đình và một cảnh đám giỗ; 2 cảnh nấu ăn trong gia đình và một cảnh nấu đám giỗ.
Nhiều thông điệp quan trọng được gài cắm vào các cảnh này: khi gia đình đón Văn và Ian từ Mỹ trở về, khi Văn và Ian giới thiệu ẩm thực phương Tây (thông qua món mì Ý, và cũng có thể là ẩn dụ cho tình yêu đồng giới của họ) với gia đình, hay khi mối quan hệ bị công khai bất đắc dĩ trong đám giỗ. Đặc biệt, trong cảnh thứ hai, những thành viên gia đình đón nhận món mì Ý cũng là những người về sau đã ủng hộ mối tình của Văn và Ian.
Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày lên bàn tiệc những món sang trọng nhưng lại là sự kết hợp hổ lốn giữa món Việt, món Tây. Điều này cũng thể hiện bản chất của gia chủ: họ từng giàu có nhưng đang lụn bại, nhưng vẫn phải phô trương sự giàu có ra với bạn bè.
Ẩm thực, nam nữ - những ham muốn cơ bản của đời người. Ảnh trong phim "Ẩm thực nam nữ" - Ảnh: Ang Lee Pictures
Ẩm thực là mảnh đất màu mỡ của ẩn dụ, trong đó có ẩn dụ về tình dục. "Ẩm thực, nam nữ. Những ham muốn cơ bản của con người. Không thể nào tránh được" - nhân vật ông Chu siêu đầu bếp trong Ẩm thực nam nữ của Lý An đã tổng kết như vậy.
Sau khi mất đi người bạn đời (chuyện nam nữ), và vị giác (chuyện ẩm thực), ông Chu thấy cuộc đời và cả những món ăn thịnh soạn mình nấu cũng trở nên vô vị.
Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của đạo diễn Phan Đăng Di có đầy ắp các cảnh nấu và ăn để chỉ ra sự khác biệt trong tính cách của cặp nhân vật chính. Nàng ăn chay, chàng lại rất thích nấu cá. Trong tình yêu, khi nàng tìm kiếm một cuộc hôn nhân ổn định (và nhạt nhẽo cũng được) thì chàng lại yêu đương nồng nhiệt và xốc nổi.
Đặc biệt, một phân cảnh rất táo bạo của phim là khi nhân vật Thăng mân mê con cá mà anh sắp mổ xẻ và tưởng tượng như đang được vuốt ve cơ thể khỏa thân của người tình.
Bữa sushi trên cơ thể người trong "Chàng dâng cá, nàng ăn hoa" - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói: "Nhiều bộ phim liên kết 2 yếu tố ẩm thực và tình dục. Cả hai yếu tố ấy đều rất quan trọng trong cuộc sống, giúp kết nối mọi người với nhau, vì vậy phim ảnh thường liên kết chúng lại".
Khi con người vẫn còn đam mê nấu, ăn và đam mê chuyện tình dục, thì trong hoàn cảnh tệ đến mức nào, có thể nói họ vẫn còn yêu cuộc sống.
TTO - Trong khi các nước chưa thể mở cửa với nhau do đại dịch, một nhóm nghệ sĩ sống ở nhiều nơi trên thế giới đã nảy ra sáng kiến giao lưu và quảng bá ẩm thực của đất nước mình bằng cọ màu và giấy vẽ.