AUDIO bài viết
1. Google Drive là mục tiêu chính của tin tặc
Theo Makeuseof, Google là một công ty lớn chuyên xử lý vô số dữ liệu bí mật của hàng triệu người. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Google luôn là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Một trong những lý do chính khiến Google dễ gặp rủi ro bảo mật là do công ty lưu trữ quá nhiều dữ liệu và thông tin nhận dạng cá nhân (PII).
2. Google có lịch sử về các lỗ hổng bị khai thác
Vào năm 2010, Google đã xuất bản một bài đăng trên blog đề cập đến một âm mưu tấn công tinh vi của chính phủ Trung Quốc, được cho là để tìm kiếm thông tin về các nhà hoạt động nhân quyền. Chiến dịch này được gọi là Aurora, nhắm mục tiêu vào ít nhất 34 công ty khác nhau, bao gồm Adobe, Yahoo và Morgan Stanley.
Theo CNN, gần 5 triệu mật khẩu Gmail đã bị rò rỉ trực tuyến trong năm 2014. Ngoài ra, một lỗi trong API Google+ cũng khiến dữ liệu của hơn 52,5 triệu người dùng bị lộ trong năm 2018.
3. Lừa đảo tràn lan trên Google Drive
Hiện tại có rất nhiều hình thức lừa đảo liên quan đến Google Drive, đơn cử như tin tặc sẽ tạo ra các trang web giả mạo có giao diện tương tự Google Drive, chia sẻ các tệp tin, liên kết có chứa phần mềm độc hại…
Sau khi xâm nhập được vào tài khoản của bạn, tin tặc có thể sử dụng những tài liệu riêng tư để thực hiện hành vi gián điệp, mã hóa tống tiền, đánh cắp danh tính hoặc quấy rối.
Mặc dù Google Drive có cung cấp tính năng quét virus, nhưng nó không hỗ trợ các tệp tin có dung lượng lớn. Do đó, bạn tốt nhất nên cẩn thận trước khi tải xuống các tệp tin lớn, đặc biệt là từ những người dùng mà bạn không quen biết.
4. Lịch sử thay đổi chính sách bảo mật của Google
Google có lịch sử thay đổi chính sách bảo mật mà không thông báo cho người dùng.
Cụ thể, vào năm 2012, Google đã thay đổi chính sách bảo mật, cho phép công ty chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng trên tất cả các dịch vụ của họ, bao gồm cả Google Drive. Thay đổi này đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội từ phía người dùng vì họ cảm thấy Google không minh bạch, đặc biệt là những người ủng hộ quyền riêng tư.
5. Chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ
Google được thành lập tại Mỹ nên công ty phải tuân theo một số quy tắc nhất định để được phép hoạt động.
Vào năm 2013, có thông tin tiết lộ rằng Google đã cung cấp cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) dữ liệu người dùng như một phần của chương trình PRISM của NSA. Tiết lộ này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo ngại về quyền riêng tư của người dùng Google Drive.
Mặc dù Google và một số công ty khác phủ nhận thông tin về hoạt động này, nhưng The Guardian xác nhận rằng tài liệu phân loại gồm 41 slide đã xác minh chương trình này có sự hỗ trợ của các công ty.
Ngoài 5 lý do kể trên, không thể phủ nhận Google Drive là một trong những dịch vụ lưu trữ đám mây tốt nhất hiện nay, tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái của Google, cho phép người dùng làm việc mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, nếu cảm thấy những ưu điểm này vẫn không đáng để đánh đổi quyền riêng tư, bạn có thể gỡ cài đặt Google Drive và sử dụng các dịch vụ khác để thay thế.