Theo hãng tin AFP, Thượng viện Mỹ hôm 7-4 đã bỏ phiếu nhất trí chấm dứt quy chế quan hệ thương mại bình thường (PNTR) với Moscow và luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.
“Tổng thống Vladimir Putin hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh đáng ghê tởm, đáng khinh bỉ mà ông ta đang gây ra đối với Ukraine: những hình ảnh mà chúng ta đã thấy ở đất nước đó chỉ toàn là sự xấu xa thuần túy” - lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer nói.
Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), còn gọi là quy chế “Tối huệ quốc”, đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế hiện đại.
Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế PNTR. Việc các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy chế này.
Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga, nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế và tài chính của Moscow với phần còn lại của thế giới.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Ảnh: AFP
Sau khi được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành dự luật, qua đó chấm dứt qui chế thương mại đối xử công bằng đối với Moscow, mở đường cho việc tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các mặt hàng của Nga.
Đạo luật này bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, tịch thu tài sản của các tỉ phú thân ông Putin, và đóng băng kho dự trữ tiền mặt của quốc gia này. Cùng với nhau, các lệnh trừng phạt này đang đẩy Moscow đến bờ vực vỡ nợ.
Việc Mỹ cắt đứt quy chế PNTR với Nga cũng khiến giá các mặt hàng chủ chốt như xăng và lúa mì tăng cao, gây hại cho người tiêu dùng Mỹ vốn đang phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.
Vào năm 2021, Mỹ chỉ nhập khẩu dưới 30 tỉ USD hàng hóa từ Nga, bao gồm 17,5 tỉ USD dầu thô, AFP đưa tin.
Trước đó, hôm 6-4, Washington cũng đã ra lệnh chặn nguồn đầu tư nước ngoài vào Nga và các doanh nghiệp nhà nước của Moscow, đồng thời áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và quan chức cấp cao của nước này.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, các lệnh trừng phạt toàn cầu đã đẩy nền kinh tế Nga vào một "cuộc suy thoái sâu".
“Những gì chúng ta đang thấy là nền kinh tế Nga có khả năng bị thu hẹp khoảng 15%. Hầu hết mọi công ty lớn trên thế giới đều phải rút khỏi Nga. Và chính hành động của ông Putin, trong khoảng thời gian vài tuần qua, về cơ bản đã khiến nước Nga bị tách biệt khỏi thế giới” - ông Blinken cho hay.