Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến đường quan trọng theo trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối vận tải giữa cảng nước sâu Trần Đề, các địa phương - Nguồn: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 mà Chính phủ trình Quốc hội, tuyến cao tốc này có chiều dài 188,2km, điểm đầu tại thành phố Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Cụ thể, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chạy theo trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long, có điểm đầu giao với quốc lộ 91, đi theo hướng Đông Nam song song với quốc lộ 91. Tiếp đó, tuyến đi qua tỉnh Sóc Trăng và kết thúc tại điểm giao với quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc khu vực cảng Trần Đề theo quy hoạch.
Theo quy hoạch mạng, tuyến cao tốc này có 6 làn xe. Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều phương án về quy mô đầu tư. Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ về ưu, nhược điểm của từng phương án trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn.
Để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, Chính phủ đề xuất đầu tư đường cao tốc giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục, tốc độ khai thác 80km/h. Tuy nhiên, toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc với tốc độ thiết kế 100km/h; giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205ha. Khoảng 1.194 hộ bị ảnh hưởng, số hộ tái định cư khoảng 1.075. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập để giao cho các địa phương thực hiện.
Dự án được Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công với tổng mức sơ bộ khoảng 44.691 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi các năm 2022 - 2024, nguồn vốn ngân sách các địa phương.
Chính phủ đề xuất chuẩn bị dự án trong năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Theo nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, dự án cao tốc này thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế đặc thù phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị phân chia thành 4 dự án thành phần để thuận lợi trong việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương thực hiện gồm:
Dự án thành phần 1 dài khoảng 57,2km qua địa phận An Giang và Cần Thơ, tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỉ đồng.
Dự án thành phần 2 dài khoảng 37,2km thuộc thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 dài khoảng 36,9km thuộc tỉnh Hậu Giang, tổng mức đầu tư khoảng 9.927 tỉ đồng.
Dự án thành phần 4 dài khoảng 56,9km thuộc 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỉ đồng.
Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải trục ngang lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực.
Đây cũng là tuyến cao tốc kết nối, chuyển tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia khi cảng Trần Đề được đầu tư theo quy hoạch đến năm 2030 với năng lực thông qua khoảng 50 - 55 triệu tấn/năm, giai đoạn đến năm 2050 dự kiến đạt 130 -150 triệu tấn/năm.
TTO - Để thuận lợi cho việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương tổ chức thực hiện, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép chia dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành 4 dự án thành phần.