Các lô hàng dầu thô Sokol của Nga từ Viễn Đông cho tháng tới đã được đặt hàng hết và một số công ty Trung Quốc sử dụng nội tệ để mua than của Nga vào tháng 3. Các dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu cũng tăng lên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Bloomberg Economics dự kiến Nga sẽ kiếm được khoảng 320 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng Rúp/USD đã tăng trở lại mức trước khi căng thẳng diễn ra.
Tuy sản lượng dầu của Nga giảm trong tháng này, nhưng nước này vẫn giữ được dòng tiền từ năng lượng và hỗ trợ giá của đồng tiền tệ. Khả năng phục hồi đó cũng giúp Tổng thống Vladimir Putin giành chiến thắng trên sân nhà, ngay cả khi đất nước ngày càng bị cô lập. Việc Mỹ cảnh báo Ấn Độ về việc liên kết quá chặt chẽ với Moscow đã cho thấy những hạn chế của các lệnh trừng phạt trong một thế giới phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, khí đốt và các mặt hàng khác của Nga.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, các biện pháp trừng phạt tài chính và những lĩnh vực khác đã làm suy yếu nền kinh tế Nga", Patrick Honohan, một thành viên cấp cao tại Viện Peterson ở Washington và là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết. "Nhưng các lệnh trừng phạt không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga nếu nguồn thu từ xuất khẩu của nước này không bị gián đoạn".
Các đại sứ EU sẽ họp tại Brussels để thống nhất về vòng trừng phạt thứ Năm, với đề xuất loại bỏ dần than của Nga như bước đầu tiên để giải quyết vấn đề nhập khẩu năng lượng. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cũng đang đặt mục tiêu cấm hầu hết các xe tải và tàu của Nga ra vào khu vực của họ, ngoại trừ các sản phẩm nông nghiệp, viện trợ nhân đạo và năng lượng.
Hướng về phương Đông
Trung Quốc đang chuẩn bị nhận những lô hàng đầu tiên từ Moscow được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Họ đã đặt hàng từ khi một số ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Dầu thô của Nga thay vì chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu hoặc Mỹ như trước kia, giờ lại đang hướng đến châu Á. Những bên mua ở đây, đặc biệt là ở Ấn Độ, đang tận dụng lợi thế của các đợt giảm giá mạnh. Các chuyến hàng từ các cảng Primorsk và Ust-Luga ở Biển Đen và Biển Baltic của Nga đã bắt đầu hướng đến Ấn Độ vào tháng 3, theo sau các tàu chở hàng từ các bến tương tự đến Trung Quốc.
Các ngoại trưởng EU có khả năng sẽ thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga khi cuộc họp diễn ra vào tuần tới, Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của khu vực này cho biết. Phát biểu tại Brussels vào hôm 7/4, ông Borrell nói rằng lệnh cấm đối với dầu không nằm trong gói trừng phạt mới nhất, ông hy vọng các bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này. "Việc này là điều sớm muộn, nhưng tôi hy vọng sẽ diễn ra sớm", ông nói.
Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga, chẳng hạn như dầu, vẫn chưa bị EU trừng phạt trong bối cảnh châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng. Việc này đã khiến các chính phủ phương Tây phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào có thể khiến giá cả tăng thêm.
Ý, một trong những khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, cho biết họ sẽ ủng hộ lệnh cấm nếu khối thống nhất ý tưởng này. Trong khi đó, Đức và một số nước khác cho đến nay vẫn phản đối.
Căng thẳng gia tăng
40% nhu cầu khí đốt của châu Âu phụ thuộc vào Nga, một phần ba nguồn cung cấp đó di chuyển bằng các đường ống dẫn qua Ukraine. Khi căng thẳng nổ ra, nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt của Nga tăng lên, giúp công ty xuất khẩu năng lượng Nga Gazprom PJSC tăng doanh số bán hàng của mình sang các thị trường nước ngoài trong tháng 3 lên 17% so với một tháng trước đó.
Mặt khác, các công ty nước ngoài đang từ bỏ đất nước này khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn gấp đôi so với quý đầu tiên. Sản lượng dầu của Nga cũng giảm nhiều nhất trong gần hai năm vào đầu tháng 4 khi một số khách hàng tìm kiếm nguồn cung khác, dựa trên dữ liệu từ đơn vị CDU-TEK của Bộ Năng lượng.
Theo Elina Ribakova và Benjamin Hilgenstock, các nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế, các động thái của Nga tại Ukraine có thể khiến nhiều quốc gia cứng rắn cắt giảm nhập khẩu năng lượng, ngay cả khi việc này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính họ. "Mặc dù nhiều nước châu Âu vẫn phản đối lệnh cấm vận năng lượng, nhưng họ cũng không thể duy trì lập trường này lâu hơn nữa nếu Nga không dừng tay", họ nói.
http://tintuc.vdong.vn/04/1306139.htm