Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo đó, sẽ thực hiện thu gọn đầu mối chi nhánh xí nghiệp đầu máy từ 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy.
Chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một Ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án đường sắt còn lại.
Hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các nội dung và số liệu báo cáo của Ủy ban về phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị đường sắt.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025.”
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp nhà nước. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2021 kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty bị giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu Tổng Công ty hợp nhất dự kiến thực hiện được 6.653,7 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và đạt 100,9% kế hoạch năm. Nhưng, lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỷ đồng.
Riêng Công ty mẹ - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu thực hiện được 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng.
Trong đó, khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ nhưng sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp: 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, chỉ bằng 37,2% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải chỉ đạt 2.262,8 tỷ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ.
Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có sự tăng trưởng khá, sản lượng 4.266,0 tỷ đồng, bằng 127,9% so với cùng kỳ và đạt 109,2% kế hoạch. Doanh thu 3.899,1 tỷ đồng, bằng 127,7% so với cùng kỳ và đạt 109,6% kế hoạch.