Dorothy Sherwood tỏ ra bình tĩnh khi bước vào trụ sở cảnh sát Newburgh, New York, vào chiều 20/8/1935. Trong vòng tay, người mẹ nhẹ nhàng nâng niu chiếc bọc nhỏ, trong đó là đứa con hơn một tuổi. "Thằng bé đây," cô nức nở với sĩ quan cảnh sát khi đặt xác đứa trẻ lên bàn và thú tội.
Bà mẹ 27 tuổi nói rằng đã đặt James, đứa con trai 2 tuổi của mình, vào xe nôi và đẩy khoảng 5 km từ nhà cô ở Newburgh đến sông Moodna Creek. Cô để cho cậu bé hớn hở lội tung tăng cho đến khi mệt, dẫn đến chỗ nước sâu...
"Tôi không có gì cho nó ăn, và tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy nó khóc lả đi vì đói," cô khóc, nói với viên cảnh sát đang há mồm đầy kinh ngạc.
Nhưng khi cảnh sát điều tra về bà mẹ này, một bức tranh phức tạp hơn đã xuất hiện. Nghèo đói, kém may mắn và tuyệt vọng là những gì cô từng trải qua.
Dorothy Caskey sinh năm 1908 trong khu ổ chuột East St. Louis, bang Illinois, là con của công nhân xưởng đúc và bà nội trợ thất nghiệp. Mẹ qua đời khi cô 9 tuổi, và cha cô, người kết hôn tới sáu lần, đã không mặn mà với đứa con ốm yếu.
Trong tám năm tiếp theo, Dorothy sống sót từ nhà này đến nhà trẻ mồ côi khác. Với ngoại hình xinh xắn và giọng ca ngọt ngào, cô gái được chọn vào dàn đồng ca của trại mồ côi và đi biểu diễn ở nhiều thành phố để xin tiền từ thiện. Từ công việc này, khi trưởng thành, cô chuyển sang làm vũ công trong các quán bar ở Chicago, nơi cô gặp Fred Sherwood, một thợ điện sân khấu.
Họ cưới nhau khi Dorothy 17 tuổi nhưng đến 3 năm sau mới có có con gái đầu lòng. Nhưng cũng đúng lúc này, cặp vợ chồng trẻ thất nghiệp. Họ để lại đứa bé với bà nội ở ngoại ô Callicoon và tìm việc chân tay ở New York và sau đó là ở Newburgh.
Nhưng năm 1932, cuộc mưu sinh của họ đã lại đi vào ngõ cụt. Dorothy lại mang thai. Hai năm sau, người chồng qua đời vì bệnh lao. Phục vụ bàn là công việc duy nhất bà mẹ mang bầu này có thể kiếm được, phần lớn nhờ vào lòng thương của chủ quán.
Trong vẻ tiều tuỵ và bộ tang phục đen, Dorothy với bộ tóc vàng và nét quyến rũ vẫn khiến nhiều đàn ông say đắm. Một trong số này là khách quen tên Jesse B. Earle. Anh ta nói đã ly hôn, là đặc vụ chính phủ ở Newburgh đang săn lùng một kẻ xấu.
Tình cảm nảy nở, và ngay sau đó anh ta yêu cầu cô bỏ trốn để làm đám cưới ở California. Dorothy nghỉ việc và hào hứng chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Ngày 19/8/1935, ngày họ dự định đi về hướng Tây, người đàn ông biến mất. Một số khách hàng khác nói với cô rằng hầu hết những điều anh ta nói là giả dối. Đó chỉ là gã thất nghiệp đẹp mã và vẫn chung sống với vợ, có hai con trai.
Dorothy suy sụp tinh thần, không một xu dính túi, không có việc làm và không thể nuôi đứa con trai nhỏ đã đói nhiều ngày. Cô đã xuống đường vào ngày 20/8 tìm việc làm nhưng đều bị từ chối. Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930 ở Mỹ khiến cho những gã đàn ông khoẻ mạnh nhất cũng không kiếm được công việc chân tay. Không ai cần Dorothy, một phụ nữ yếu ớt và đèo bòng thêm con nhỏ.
Cùng ngày, bà chủ nhà của Dorothy đòi tiền trọ, tuyên bố thẳng thừng sau nhiều lần nhân nhượng: "Trả tiền hoặc cuốn gói". Đó là lúc cô nghĩ quẩn
Trong phiên tòa mở tháng 1/1936, nhiều thẩm phán và người dân khắp New York đã khóc khi bị cáo tả lại cách mặc quần áo cho con vào sáng hôm đó và đưa lên xe ngựa tới nhánh sông Moodna Creek.
"Trên đường đi, tôi mua một thanh sô cô la với đồng xu cuối cùng của mình và đưa cho thằng bé. Đó là món quà tạm biệt", Dorothy khóc như mưa trước bục bị cáo và giải thích nỗi sợ hãi con sẽ chết đói khiến cô lo lắng đến mất trí.
Dù Dorothy có nhiều nước mắt rơi, bồi thẩm đoàn vẫn không thể cứu cô khỏi bản án Giết người cấp độ một. Họ đã tranh cãi suốt hơn 4 giờ và quyết định hình phạt là xử tử trên trên ghế điện.
"Chúng tôi biết bà Dorothy Sherwood đã trải qua cuộc sống khó khăn, nhưng chúng tôi không nghĩ đó là cái cớ để giết con," một phát ngôn viên bồi thẩm đoàn lưu ý.
Khi Dorothy bước vào nhà tù Sing Sing, nơi được mệnh danh "ngôi nhà tử thần" cho những sát nhân máu lạnh nhất nước Mỹ. Một nữ tử tù nghe về câu chuyện đời Dorothy và chào bằng một câu nói ấm áp: "Hãy quên đi những nỗi buồn".
Số phận của Dorothy đã xoay chuyển. Hàng nghìn người đã kêu gọi toà án sự khoan hồng cho người phụ nữ bất hạnh. Dorothy do đó được mở một phiên toà mới và rời Sing Sing. Lần này, cô bị buộc tội Ngộ sát cấp độ một và bị kết án từ 6 đến 15 năm tù tại Trại cải tạo Bedford Hills.
Hiệp hội Cựu chiến binh Mỹ cũng gửi đơn thỉnh cầu vài ngày sau đó thúc giục Thống đốc ân xá vô điều kiện cho cô.
Cuối cùng, cô được tự do vào Giáng sinh năm 1939. Dorothy đã sử dụng thời gian ngồi sau song sắt để học đánh máy và may vá, những kỹ năng giúp mưu sinh sau này.
Một thiếu tá quân đội của Lực lượng quân giải phóng quốc tế đã đi cùng Dorothy Sherwood khi cô rời nhà tù và cam kết giúp làm lại cuộc đời. Họ đã giữ lời, khi vài tháng sau tuyển dụng Dorothy làm công việc văn thư tại một trong những cơ sở của mình.
Hải Thư (Theo NY Daily News, NYT)
Xem thêm: lmth.8687444-nauq-gnut-em-ab-auc-ca-iot/ten.sserpxenv