Chiều ngày 8-4, ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay ban chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về thời gian tháo dỡ đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành.
“Khi nào có chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh mới thực hiện phương án tháo dỡ và trình phê duyệt phương án này. Trên cơ sở đó, ban sẽ cho nhà thầu tháo dỡ”- ông Tuyến cho biết.
Công tình đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành có tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 31-3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh giao Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tháo dỡ đập thép ngăn mặn này. Thời gian tháo dỡ từ ngày 8-4, dự kiến thời gian tháo dỡ khoảng 15 ngày.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay độ mặn trên tuyến sông Tiền đã đạt mức cao nhất năm 2022.
Độ mặn cao nhất đo được là 0,15g/l đã xâm nhập cách cửa sông 51km và đang có xu hướng giảm dần. Đến giữa tháng 4 khả năng mặn sẽ không còn ảnh hưởng đến các huyện phía Tây của tỉnh.
Trong khi đó, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, độ mặn trên sông Tiền đang có xu thế giảm dần từ cuối tháng 3.
Đến đầu tháng 4 còn một đợt xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn, không có lấn sâu như đợt xâm nhập mặn từ ngày 16 đến 21-3 vừa qua và thấp hơn cùng kỳ năm 2021; biên mặn 1,0g/l có khả năng xâm nhập 35-45km từ Bình Ninh đến Tân Mỹ Chánh (tức chưa đến vị trí của đập ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành).
Công trình được đề xuất tháo dỡ chỉ sau gần 2 tháng kể từ ngày hợp long
Từ dự báo và diễn biến thực tế của mặn nêu trên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất tháo dỡ đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Công trình có tổng vốn hơn 10 tỉ đồng chỉ mới được "hợp long" cách nay gần hai tháng.
Đập thép này nhằm ngăn nước mặn từ sông Tiền xâm nhập vào nội đồng các huyện phía Tây, giữ lại nguồn nước ngọt cung cấp cho trên 80.000 hecta sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đảm bảo được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nước sinh hoạt cho hai nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và 1 nhà máy tại tỉnh Long An.
Tuy nhiên, do diễn biến tình hình xâm nhập mặn năm nay không đáng lo ngại, việc đắp đập thép ngăn mặn mùa khô năm nay tốn rất nhiều chi phí nhưng kém hiệu quả.
Việc tháo dỡ đập thép nhằm đón nguồn nước ngọt từ hệ thống sông chính, khôi phục giao thông thủy tại vị trí đắp đập trên kênh Nguyễn Tấn Thành.