Chiều 8.4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp hoạt động về khoa học - công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2014 - 2020 và ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH-CN trong giai đoạn mới.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong giai đoạn mới Phan Ngọc Minh |
Tham dự hội nghị có GS - viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, các thành viên của Viện hàn lâm, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều đại biểu khác.
GS-viện sĩ Châu Văn Minh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc Phan Ngọc Minh |
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2013, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác về KH-CN với tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2014 - 2020 và đã thực hiện được rất nhiều công việc, hợp tác thúc đẩy KH-CN.
Trong đó, thành lập 1 đơn vị KH-CN trực thuộc đóng tại TP.Huế (Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung), hỗ trợ thành lập Bảo tàng thiên nhiên khu vực Duyên hải miền Trung (trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên quốc gia), triển khai Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật (trực thuộc Bảo tàng thiên nhiên quốc gia). Đồng thời, cung cấp nhân lực, cơ sở vật chất giải quyết các vấn đề KH-CN cấp bách của tỉnh qua hình thức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tư vấn về KH-CN cho tỉnh khi có yêu cầu nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường...
Viện hàn lâm cũng là một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có các hình thức giúp đỡ, hỗ trợ địa phương về vật chất qua các đợt thiên tai, ủng hộ người nghèo...
Hợp tác tương xứng với tiềm năng
Để tăng cường phối hợp hoạt động KH-CN giữa 2 đơn vị, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký kết triển khai chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, trong giai đoạn này, 2 đơn vị sẽ phối hợp xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế, chính sách phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo; xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm KH-CN lớn của cả nước; hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; cung cấp, trao đổi thông tin, huy động nguồn vốn, hợp tác quốc tế về KH-CN; quản lý nhà nước về KH-CN và đổi mới sáng tạo...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, đề xuất những hợp tác cụ thể để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm KH-CN lớn của cả nước Phan Ngọc Minh |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương, mong muốn chương trình hợp tác trong giai đoạn tiếp theo sẽ mang lại nhiều hiệu quả cụ thể, triển khai ứng dụng các thành tựu KH-CN, sáng chế, giải pháp hữu ích vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường...
Sự hợp tác cũng sẽ hình thành cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức KH-CN, các doanh nghiệp của tỉnh tiếp nhận và áp dụng các kết quả nghiên cứu KH-CN mới của Viện hàn lâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm KH-CN lớn của cả nước theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.