Tòa án nhân dân Tối cao vừa có quyết định liên quan đến vụ tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Quyết định được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đưa ra sau phiên họp chiều 7/4.
Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã bác kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc hủy quyết định giám đốc thẩm, xét xử lại vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Như vậy, đây là quyết định cuối cùng theo quy trình tố tụng, tạm khép lại vụ tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Vũ và bà Thảo kéo dài 7 năm.
Trước đó, tháng 3/2019, TAND Tp.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn, giao 4 con chung cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng.
Về tài sản là bất động sản, bản án tuyên chia đôi, ông Vũ được nhận 6 bất động sản, bà Thảo nhận 7 bất động sản và "thối" lại cho ông Vũ tiền chênh lệch.
Về tài sản là vàng, ngoại tệ, tiền Việt trị giá hơn 2.000 tỷ đồng trong các ngân hàng, bản án tuyên chia 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%. Về tài sản là cổ phần tại các công ty, bản án chia theo tỉ lệ 60-40, trong đó ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%.
Theo bản án, ông Vũ được sở hữu tòan bộ cổ phần của các công ty và có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo. Bản án sơ thẩm cùng bị bà Thảo và ông Vũ kháng cáo.
Trong đó, bà Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, không đồng ý ly hôn, không đồng ý việc chia tài sản theo tỉ lệ 60-40 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ. Ông Vũ kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%.
Ngay sau đó, viện trưởng Viện KSND Tp.HCM kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị TAND cấp cao tại Tp.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.
Tháng 12/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, các quyết định về chia tài sản hầu hết được giữ nguyên như án sơ thẩm.
Tháng 3/2020, viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này theo hướng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND Tp.HCM xét xử lại.
Tháng 3/2021, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án, sửa một phần bản án phúc thẩm, tuy nhiên các nội dung về hôn nhân và chia tài sản hầu hết được giữ nguyên. Ông Vũ phải thanh toán thêm cho bà Thảo 127 tỷ đồng.
Tháng 1/2022, viện trưởng Viện KSND tối cao tiếp tục kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao theo thủ tục đặc biệt.
Theo kiến nghị, tòa cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng. Quá trình giải quyết vụ án, bà Thảo luôn yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền là vi phạm quyền được kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng.
Các công ty có tranh chấp giữa vợ chồng ông Vũ đều thành lập từ năm 2006, sau 8 năm hai người kết hôn nhưng tòa án lại chia cho bà Thảo ít hơn chồng 20% giá trị (hơn 1.400 tỷ đồng).
Tòa án các cấp chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong thực hiện nghĩa vụ của người chồng. Do đó cần tăng tỉ lệ phần trăm tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung để đảm bảo quyền lợi cho bà.
Khi nào áp dụng thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao?
Theo điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, nếu có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao hoặc đề nghị của chánh án TAND tối cao thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định đó.
Về thủ tục, Điều 359 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong một tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị, chánh án TAND Tối cao phải báo cáo và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên họp xem xét. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thảo luận và biểu quyết theo đa số về việc có mở phiên họp hay không.
Trường hợp không nhất trí kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Viện trưởng VKSND Tối cao.
Trường hợp nhất trí, Hội đồng thẩm phán quyết định mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán với sự tham gia của viện trưởng VKSND Tối cao. Phiên họp phải có sự tham gia của toàn thể thẩm phán TAND Tối cao.
Về thẩm quyền, Điều 360 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Tại phiên họp, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem thấy có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, bản án… đã ban hành thì sẽ đưa ra một trong ba quyết định như sau:
Một là, hủy quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án.
Hai là, hủy quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TAND Tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật.
Ba là, hủy quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao biểu quyết tán thành.
Tuệ Minh (tổng hợp theo Dân việt, Tuổi trẻ, Pháp luật Tp.HCM)