Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam do Bộ Ngoại giao và VnEconomy phối hợp tổ chức vào ngày 8-4 tại TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững thì thành phố thực hiện các chương trình đột phá về đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng thành phố và phát triển nhân lực.
Thành phố tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu nhất là những ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao kinh tế số.
Đồng thời từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu trở thành khu công nghiệp khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.
"Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, giải quyết những điểm nghẽn kìm hãm phát triển thành phố. Đây cũng chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón một làn sóng FDI xanh, đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố phát triển bền vững của chúng tôi" - ông Hoan nói.
Quang cảnh buổi hội thảo
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội cho biết, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã thành công vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài mà phải huy động mạnh mẽ, hội tụ được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển cũng như nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.
Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm xanh hóa các ngành hàng, các doanh nghiệp chậm chuyển đổi xanh từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.
Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là cạnh tranh xanh.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân và FDI.