vĐồng tin tức tài chính 365

TPHCM: Những cây cầu dở dang và hoang phí

2022-04-09 17:05

Cầu xây chưa xong đã "trùm mền"?

Đầu tiên phải nói đến cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức) - dự án (DA) đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai qua ngã ba Rạch Chiếc. Cầu này được Sở Giao thông công chánh TPHCM phê duyệt từ năm 2004, dài 448,9m, vốn đầu tư 857 tỷ đồng, khởi công tháng 10-2016 do Khu Quản lý GT đô thị số 2 làm chủ đầu tư, dự kiến bàn giao vào quý 2-2018. Khi hoàn thành, cầu được kỳ vọng gỡ nút thắt cho cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp, giúp kết nối GT các vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông của người dân.

Mục tiêu là vậy, nhưng đến nay đã quá hạn hơn 3 năm, cầu Nam Lý mới thi công được 39% khối lượng và chịu cảnh "trùm mền" cùng mưa nắng, hiện trường còn lại là những khối trụ bê-tông, dầm cốt to tướng chình ình trên đường Đỗ Xuân Hợp cùng những nhịp cầu dang dở chưa hẹn ngày nối lại.

Hàng chục khối sắt thép lộ ra ngoài đã hoen rỉ, nhiều hạng mục xuống cấp do bị bỏ hoang nhiều năm. Dưới chân cầu có cả chục đống xà bần, rác rưởi, gạch đá nằm ngổn ngang, nhếch nhác, nắng bụi, mưa sình, bao quanh là nhiều "lô cốt" méo mó, xiêu vẹo, gây cản trở GT. Trong khi đường tạm dưới chân cầu mới được rải đá qua loa, không vạch kẻ thì ngay chân cầu Nam Lý đường bị bóp nhỏ lại chỉ đủ cho 2 làn xe, vì thế việc lưu thông qua đây gặp không ít khó khăn, dễ xảy ra tai nạn.

Kế đến là DA cầu Tăng Long, cũng bị "trùm mền" từ lâu. Theo thiết kế, cầu bắc qua rạch Trau Trảu trên tuyến đường Lã Xuân Oai (đầu tuyến giáp nút giao giữa đường D2 - Lã Xuân Oai và cuối tuyến giáp nút giao giữa đường Lò Lu - Lã Xuân Oai). Chiều dài tuyến 790m, công trình xây dựng (XD) 2 cầu, mỗi cầu dài 231,3m, rộng 11m (gồm 2 làn xe, lề bộ hành) và khoảng 559m đường dẫn ở 2 đầu cầu, với hệ thống chiếu sáng đầy đủ... Theo lộ giới quy hoạch sẽ có đường dân sinh bên cầu và đường chui phía bờ Trường Thạch. Cầu mới được xây sẽ đáp ứng GT đường thủy. Tổng mức đầu tư 449,898 tỉ đồng, DA được khởi công từ tháng 12-2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.

Công trình thi công cầu Nam Lý đang "đứng bánh"

Cuối cùng, DA cầu Long Đại được đầu tư 354 tỷ đồng nhưng tiến trình chậm trễ, phải nằm chờ vì vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn hơn 10 hộ dân nằm trong khu vực chưa giải tỏa xong. Cầu Long Đại được cho là sẽ giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn nhưng XD đến một nửa thì ngưng thi công và các thiết bị đã được chuyển đi khu vực khác để lại cây cầu trơ trọi giữa sông. Vì lý do chưa có đơn giá đền bù rõ ràng nên chưa được sự đồng thuận cho việc thu hồi đất, mức giá Nhà nước đưa ra quá thấp nên người dân nơi đây không đồng ý. Việc thi công dang dở cũng gây ảnh hưởng ít nhiều cho bà con địa phương. Cán bộ phường đã nhiều lần vận động di dời, nhưng người dân yêu cầu đền bù hợp lý và đây chính là nút thắt mà các đơn vị liên quan đang gặp phải, cần nhanh chóng tháo gỡ để DA cầu Long Đại được thi công tiếp.

Đối với cầu Nam Lý, UBND TP.Thủ Đức đang lập thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường; chi trả tiền cho các hộ dân và tổ chức, dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng DA cuối năm 2022. Còn với cầu Tăng Long, hiện các sở đang phối hợp để tham mưu UBND TPHCM ban hành quyết định về bố trí nền đất tái định cư cho DA, dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đầu năm 2023.

"Quy trình ngược" khiến những chiếc cầu "đắp chiếu"!

Việc các cây cầu không được hoàn thành đúng thời hạn đề ra khiến người dân trong khu vực gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, khi những cây cầu không được sử dụng sẽ trở thành nơi "lý tưởng" cho các thành phần tệ nạn xã hội và cũng là điểm hình thành những bãi rác tự phát, lộ thiên, làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh, khiến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một trong những nguyên nhân chính khiến những dự án cầu đường ở TPHCM đang xây rồi "đứng hình" là do xây theo kiểu "quy trình ngược". Bởi theo luật quy định, khi XD công trình công cộng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải hoàn thành rồi mới thi công, nhưng nhiều công trình "xịt" tại TPHCM hiện nay thì làm ngược lại, vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng, có khi thi công trước rồi mới giải phóng mặt bằng. Do đó khi gặp tình trạng không thỏa thuận đền bù được cho người dân, công trình lập tức bị đình trệ do không có mặt bằng, dẫn đến tình trạng "đắp mền nằm chờ" và người dân không biết phải chờ đến bao giờ?

Nhà nước và các cơ quan chức trách có liên quan đến dự án cầu "ma" nên có những biện pháp xử lí DA chính xác, nhanh chóng để trả lại cuộc sống bình yên vốn có của người dân địa phương.

Cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) thực hiện được 50% thì "đứng hình" do vướng mặt bằng

Dự án trăm tỷ hóa... bãi rác lộ thiên!

Những chiếc cầu chưa được hoàn thiện dẫn đến nhiều trụ bê-tông và thanh sắt nghênh ngang, bên đường cỏ cây mọc um tùm. Ở một khía cạnh khác, người dân bức xúc không chỉ vì cơ chế phân bổ vốn dàn trải dẫn đến thi công chậm tiến độ, giữa chừng phải dừng sẽ tạo ra nợ đọng XD, mà điều khiến họ quan tâm hơn là cầu xây xong không phát huy tác dụng, gây mất mỹ quan đô thị.

Với sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay thì nhu cầu sống của con người càng tăng, các công trình XD cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu con người. Những cây cầu xây dở thậm chí thành cầu bỏ hoang, mục nát không ai sử dụng dẫn đến nhiều hệ lụy: những người vô ý thức xả rác bừa bãi dưới chân cầu hoang ngày càng nhiều hơn, khiến những dòng sông bên dưới "bốc mùi" tiếp tục dẫn đến ô nhiễm nguồn nước..., người dân xung quanh bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một bộ phận người dân bức xúc không phải vì DA chậm tiến độ mà do không có sự quản lý khu vực XD, bảo quản công trình đã được thực hiện. Phần lớn các DA đều bỏ hoang, không được quản lý dẫn đến các khối bê-tông sau thời gian dài dầm mưa dãi nắng đã xuống cấp, nứt nẻ. Điều đáng nói, bên dưới các khối bê-tông này, ngay trong khu vực XD hoành tráng trước đó, giờ đã biến thành những bãi rác lộ thiên, trở thành nơi vứt xà bần, đổ vật liệu của người dân trong khu vực.

Dự án cầu Tăng Long sau 5 năm thi công mới chỉ có những dầm cầu bắc qua sông

Theo chị Đỗ Thanh Nga (45 tuổi, sinh sống gần DA cầu Nam Lý), nhiều công trình XD nhà ở của các hộ dân trong khu vực tự ý đổ xà bần, rác thải ra các bãi đất trống bên dưới cây cầu bỏ hoang do không có ai quản lý. Ý thức của người dân trong khu vực chưa cao nên rất cần có sự quản lý, để tránh tạo thành những bãi rác lộ thiên, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh.

Người dân thành phố rất mong các DA cầu đường nhanh chóng được tiếp tục thi công, hoàn thành, đi vào hoạt động để thuận tiện hơn trong lưu thông, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Các công trình này cũng là bộ mặt của thành phố, cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt, đem đến bộ mặt hiện đại, xứng đáng với thành phố phát triển của cả nước.

Khánh Chi - Đoàn Khôi - Nhật Tuyền

Xem thêm: lmth.405921_ihp-gnaoh-av-gnad-od-uac-yac-gnuhn/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“TPHCM: Những cây cầu dở dang và hoang phí”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools