Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, áp lực số hoá có thể sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để bứt phá thích nghi với hoàn cảnh kinh doanh mới.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã bắt đầu thực hiện các dự án chuyển đổi số.
Mới đây, một số tập đoàn, công ty bất động sản đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ đám mây. Theo đó, FPT sẽ tư vấn chiến lược về lĩnh vực chuyển đổi số, chọn các giải pháp công nghệ thông tin cho tất cả lĩnh vực hoạt động các công ty như phát triển, số hóa sản phẩm, quản trị sản xuất tự động và thông minh, quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp thông minh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, nguồn nhân lực, vật liệu, nhà cung ứng…
Đơn cử mới đây, Tập đoàn BĐS An Gia (AGG) chính thức hoàn thành cột mốc chuyển đổi số đầu tiên bằng sự kiện công bố vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp SAP S/4HANA do FPT IS - thành viên của Tập đoàn FPT tư vấn triển khai.
Đại diện An Gia cho biết, ứng dụng thành công hệ thống quản trị doanh nghiệp SAP là cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của công ty. Đồng thời, thể hiện sự kiên định với chiến lược phát triển của đội ngũ ban lãnh đạo trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của Covid-19.
Như vậy, sau hơn 6 tháng triển khai, Tập đoàn này đã chính thức vận hành bộ giải pháp đặc thù cho ngành bất động sản dựa trên nền tảng SAP S/4HANA cho khoảng 40 công ty thành viên, dưới sự tư vấn của FPT IS. Theo đó, bộ giải pháp công nghệ thông tin cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty này bao gồm phát triển sản phẩm, số hóa sản phẩm; hệ thống quản trị sản xuất tự động và thông minh; hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bao gồm: sản phẩm, khách hàng, nguồn nhân lực, vật liệu, nhà cung ứng; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và thông minh.
Hay, mới đây, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản FILMORE đã thực hiện triển khai dự án SAP ERP, nhằm xây dựng hệ sinh thái số hiện đại, giúp tối ưu hoạt động quản trị công ty, gia tăng hiệu quả đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Dự án đã ứng dụng bộ giải pháp chuyên biệt cho ngành bất động sản do FPT IS phát triển trên nền tảng SAP S/4HANA, có khả năng đáp ứng đầy đủ chuỗi giá trị và quy trình nghiệp vụ phức tạp của ngành. Qua đó, FILMORE sẽ được trang bị các giải pháp quản lý chuyên sâu bao gồm tài chính kế toán, quản lý vòng đời dự án, quản lý chất lượng dự án, quản trị quan hệ khách hàng…
Đại diện FPT từng cho rằng, chiến lược tổng thể cho ngành bất động sản, ngoài việc thấu hiểu các bài toán của ngành thì phải nhìn nhận vấn đề này trong bức tranh tổng thể liên quan tới các trụ cột về chuyển đổi số quốc gia, xu thế về đại đô thị thông minh, các thành phố thông minh.
Chuyển đổi số là bài toán sống còn của doanh nghiệp BĐS
Theo báo cáo từ tập đoàn BDO Quốc tế, BĐS là một trong 5 ngành chịu áp lực mạnh và phải thay đổi từ dịch Covid-19. Chính vì thế, các cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành này cần tăng tốc trong việc chuyển đổi số để phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Trong khi chờ các giải pháp mang tính vĩ mô, bản thân các doanh nghiệp phải tự đổi mới bằng những cách riêng. Việc áp dụng công nghệ đã và đang giúp doanh nghiệp BĐS đã sớm trở lại "trạng thái bình thường".
Theo kết quả khảo sát của KPMG, có đến 58% công ty bất động sản thế giới đã xác định chiến lược số rõ ràng cho doanh nghiệp. Bài toán chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng là câu chuyện được quan tâm thời điểm này. Theo đó, chuyển đổi số được xem là "phao cứu sinh", là chìa khóa mở cánh cửa thời kỳ mới phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp, trong đó có bất động sản và xây dựng.
Báo cáo về bức tranh đổi mới sáng tạo trong ngành bất động sản năm 2021 của KPMG cũng chỉ ra, 43% các công ty tập trung vào phần quản lý các công trình dự án bất động sản; 19% tập trung vào phần về giao dịch, kể cả giao dịch bán cũng như giao dịch cho thuê... Như vậy, phần tỷ trọng chiếm cao nhất và đang được ưu tiên là số hóa các quy trình trong suốt chuỗi cung ứng, chuỗi giải trình cũng như trong nội bộ của công ty xây dựng, bất động sản.
Theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam, ngành công nghiệp BĐS đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua, và các công nghệ mới đang có những tác động hữu hiệu đến cách thức các nhà kinh doanh BĐS thực hiện công việc hằng ngày của họ. Hiện nay, mức độ thành công của các doanh nghiệp BĐS đang phần nào thể hiện qua tốc độ chuyển đổi số và số hóa hệ sinh thái kinh doanh.
Cùng quan điểm, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cách mạng công nghệ là thay đổi căn bản, là xu hướng tất yếu (không thể cưỡng lại hay đi ngược lại được. Công nghệ không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành "cuộc đua sống còn" của doanh nghiệp nói chung, BĐS nói riêng.
Khách hàng được hưởng lợi từ câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp
Nói về lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp BĐS, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, làm giảm chi phí giao dịch và quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, hợp tác, kết nối; tăng cơ hội kinh doanh mới; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước (tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp kinh doanh BĐS, tài chính, fintech trong BĐS…); Cơ hội để đổi mới, đột phá ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn…
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng chỉ ra những thách thức đối với việc chuyển đổi số nhanh với các doanh nghiệp BĐS. Chẳng hạn, điều này thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô hình quản trị, văn hóa kinh doanh. Bên cạnh đó, có thể cắt giảm nguồn nhân sự trong tổ chức, doanh nghiệp, chỉ cần những nhân lực chất lượng cao yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, do hình thành nhiều công ty dịch vụ trung gian nên sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sẽ tinh vi và khốc liệt hơn.
Thực tế, ngành bất động sản và xây dựng tại Việt Nam đang chuyển đổi số tương đối chậm so với các ngành khác. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành hiện nay chỉ thực hiện được một phần nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, mức độ áp dụng công nghệ chỉ ở mức 37%. Thậm chí có một vài doanh nghiệp còn bỏ cuộc do chuyển đổi số thất bại nhiều lần bởi vướng nhiều rào cản, thách thức từ đặc thù. Việc phải đối mặt với bài toán nguồn lực hay việc phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và quản trị khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại, chậm tiến hành chuyển đổi số.
http://tintuc.vdong.vn/04/1307589.htmPhương Nga
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.80063646150402202-os-iod-neyuhc-cuc-hcit-nas-gnod-tab-peihgn-hnaod/nv.zibefac