Những ngày gần đây, tại nhiều cơ quan BHXH ở TP.HCM, hàng trăm người xếp hàng từ tờ mờ sáng để làm thủ tục rút BHXH một lần do nhiều cơ sở tại thành phố quá tải.
Theo tìm hiểu, từ đầu tháng 4, các đơn vị BHXH ở TP.Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh đều xảy ra tình trạng quá tải vì nhu cầu rút BHXH một tăng đột biến. Do đó, người lao động phải đi từ sớm để được làm thủ tục.
BHXH TP.HCM cho hay trong tháng 3, có hơn 12.000 người nhận trợ cấp BHXH một lần. Tính lũy kế từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3/2022, con số này đã lên tới khoảng 37.000 người, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Xu hướng rút BHXH một lần tăng nhanh
Không chỉ ở riêng TP.HCM và cũng không phải riêng thời gian gần đây mà xu hướng rút BHXH một lần đã hình thành từ nhiều năm trước và số lượng tăng dần qua các năm, tuy nhiên rõ rệt nhất là từ năm 2020.
Thống kê của BHXH Việt Nam từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần, mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Số liệu này tương ứng cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Minh chứng là trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, mỗi năm, BHXH Việt Nam ghi nhận hơn 860.000 lao động rút BHXH một lần.
BHXH đánh giá đây là thực tế đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Mới đây, BHXH TP.HCM cũng chỉ ra 5 thiệt thòi khi nhận BHXH một lần:
Thứ nhất, sau này khi tham gia lại BHXH, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Thứ hai, nếu tham gia BHXH đủ thời gian thì người lao động ngoài hưởng lương hưu còn được Quỹ BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Thứ ba, khoản tiền đóng vào Quỹ BHXH là của để dành quý giá của chính mình, nó không mất mà sẽ được cộng dồn. Nếu chẳng may mất đi, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định.
Thứ tư, nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn, khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần được tính cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014. Những năm đóng từ năm 2014 trở đi thì nhận hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Thứ năm, người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần?
Đa phần những người lao động đi rút BHXH một lần trong những ngày vừa qua khi được hỏi về lý do đều trả lời rằng cần tiền để trang trải sinh hoạt, hoặc mất việc làm nên không có khả năng đóng tiếp.
Theo các chuyên gia, không phải riêng lý do dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân chính khiến người lao động đua nhau rút BHXH 1 lần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng BHXH một lần.
Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn quá khó khăn. Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiền lương, thu nhập của người lao động cho thấy chỉ có 15% người lao động là có chút ít tích lũy. Cuộc sống quá khó khăn, nên khi phải nghỉ việc, hầu hết người lao động buộc phải lựa chọn hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt.
Đây là sự lựa chọn mà không phải người lao động nào cũng mong muốn. Trong khi đó, tình trạng nhiều doanh nghiệp tìm cách đào thải công nhân nhiều tuổi (trên 35 tuổi) để giảm thiểu chi phí, khiến nhiều người lao động trong hoàn cảnh này khó tìm việc ở khu vực có quan hệ lao động.
Mới đây, tại Hội nghị tư vấn, đối thoại với người lao động, cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, ông Andre Gama - Phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho biết, đa phần người rút BHXH một lần là phụ nữ dưới 35 tuổi. Việc tăng chi phí nuôi con và giảm sút thu nhập do mất việc làm là nguyên nhân lớn nhất ở Việt Nam khi rút BHXH một lần.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách BHXH hiện nay của nước ta chưa thực sự hấp dẫn, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH và đảm bảo tuổi đời theo quy định, trong khi tuổi đời của số đông người lao động khi nghỉ việc còn trẻ. Họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí.
Một trong những nguyên nhân nữa là do người lao động không nắm rõ quy định và lợi ích của các chế độ BHXH mà họ được hưởng, trong lúc đó công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về BHXH còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, chính sách BHXH một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng trong tiếp cận như hiện nay thì người lao động sẽ tìm đến đó như là một công cụ tài chính trước mắt.
Cách nào ngăn chặn "làn sóng"?
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhắc đến những nhiệm vụ căn cơ để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, mà việc đầu tiên là phải chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi lẽ, đa phần người rút BHXH một lần đều là công nhân lao động, người khó khăn, có hoàn cảnh éo le…
Cùng với đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về sự cần thiết và lợi ích lâu dài của BHXH, rằng "BHXH chính là khoản lương hưu của người lao động khi về già".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhắc đến "giải pháp căn cơ là sửa Luật BHXH", tập trung vào điều 60 của Luật về thực hiện chính sách BHXH một lần. Trong đó, đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm.
"Bộ Lao động đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu năm 2022 trình Quốc hội xem xét. Trong đó, bên cạnh cho hưởng chính sách một lần sẽ tăng cường lợi ích khác đối với người lao động. Ví dụ, nếu người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần thì ngoài nhận được tiền, người lao động còn được hưởng chính sách khác như được đi tham quan, du lịch… Kinh nghiệm các nước thường khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội như thế này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý.
Về phía cơ quan BHXH cũng chỉ ra rằng, trên thực tế phần lớn doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH cho người lao động chỉ trên mức lương tối thiểu vùng và không có khoản bổ sung khác. Qua kiểm tra, nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang, bảng lương để đóng BHXH ở mức thấp nhất, bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động đã qua đào tạo nghề, 5-7% với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại.
Cơ quan này cho rằng luật hiện hành chưa quy định cụ thể các khoản bổ sung tính đóng BHXH gồm những loại nào. Nhiều công ty đưa ra các khoản thu nhập khác như hỗ trợ tiền nhà, điện thoại, xăng xe, khoán sản phẩm... cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng vào quỹ BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, cần sửa quy định về tiền lương đóng BHXH theo hướng thấp nhất bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động. Điều này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của doanh nghiệp. Và khi quyền lợi của người lao động được đảm bảo, có mức lương hưu đáp ứng mức sống tối thiểu, khi đó người lao động sẽ không lựa chọn rút BHXH một lần.
Nguyễn Nga
Lao động công đoàn
Xem thêm: nhc.67722139001402202-nal-tom-ioh-ax-meih-oab-tur-gnos-nal-gnod-oab/nv.zibefac