Tháng 4 năm nào cũng có hai đợt nghỉ lễ kéo dài giỗ Tổ và dịp 30/4, năm nay các đợt nghỉ lễ còn trở nên đặc biệt hơn vì cả nước mở cửa du lịch bình thường trở lại sau 2 năm đóng cửa do dịch bệnh. Từ cách đây 2 tuần, bạn bè và người thân, đồng nghiệp của chị Huyền đã lên tiếng hỏi về kế hoạch đi chơi nghỉ lễ.
Tuy nhiên, chị Huyền khá bình thản: "Bốn năm nay gia đình tôi đều ở nhà dịp lễ. Thay vào đó, chúng tôi chọn dịp vắng vẻ để đi chơi". Giải thích vì sao lựa chọn phương án này, chị Huyền cho hay: "Đi dịp lễ mặc dù thuận tiện không phải xin nghỉ làm nghỉ học nhưng giá dịch vụ cao, không được phục vụ chu đáo. Chen chúc tàu xe. Kể cả khi nhà có xe riêng thì tôi vẫn ngại do đặc sản tắc đường".
Đặc sản "tắc đường" dịp Lễ ở Hà Nội (Theo Tiền Phong)
Cách đây 5 năm, nhà chị Huyền có kỷ niệm nhớ đời khi đi du lịch Hải Tiến. Anh chị chọn đi nghỉ dịp 30/4, do đặt phòng muộn không có phòng khách sạn, phải đặt nhà nghỉ. Đến nơi, cả nhà ngã ngửa vì giá nhà nghỉ ngang khách sạn mà cơ sở vật chất "không thể chấp nhận được", theo lời chị Huyền. Phòng nghỉ gần sân vườn với đàn gà và vài chú chó chạy, sủa cả ngày. Muốn đổi sang phòng khác, chỗ khác cũng không được vì "hết phòng". Đi đến đâu cũng đông đúc, phục vụ lâu. Nhà chị Huyền phải đổi 2 chỗ mới có chỗ ăn do quá đông khách. Đến lúc đi về, xe bị tắc 4 tiếng ở cửa ngõ Pháp Vân giữa thời tiết nóng gần 40 độ. Chị Huyền tổng kết, cả chuyến đi, tiền chênh lệch so với giá đi những ngày bình thường tính ra cao hơn 20%-30% mà "rước bực vào thân".
Không chỉ đi du lịch, một số người dân nhân dịp được nghỉ dài ngày đã thu xếp để về thăm gia đình ở quê. Gia đình chị Yến có quê ở Cửa Lò (Nghệ An) cũng đã lên kế hoạch về thăm nhà dịp Lễ, ban đầu anh chị dự định đi xe khách về quê đỡ công lái xe do quãng đường khá dài và nghĩ có khả năng dịch mọi người về Nghệ An sẽ không đông như mọi khi. Tuy nhiên, sau khi hỏi nơi bán vé xe đường dài và được cho biết đã hết vé cách lễ một tuần, anh chị đã quyết định sẽ về quê một tuần sau kì nghỉ lễ. Mặc dù phải xin nghỉ làm một ngày nhưng quan điểm của chị Yến là "sẽ đỡ đông, giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh vì cả gia đình chưa ai bị mắc Covid 19".
Du lịch đúng đợt, lượng khách đổ về một nơi du lịch đông cũng khiến nhiều người chán nản do không thể "check – in" như mong muốn, "chụp ảnh chỉ thấy toàn người là người", theo lời chị Huyền.
Người dân chen chúc tại chợ đêm Đà Lạt tối ngày 9/4 (Ảnh Viết Thanh)
Năm nay, dịp nghỉ lễ giỗ tổ trùng vào cuối tuần và sau một thời gian dài người dân không được đi du lịch thoải mái nên lượng khách có nhu cầu du lịch tăng đột biến. Theo thông tin chính phủ, lượng tìm kiếm trên Google về các chuyến bay và cơ sở lưu trú của Việt Nam hiện đang tăng trưởng ở mức cao nhất thế giới.
Đi du lịch trước và sau lễ
Thay bằng đi đúng dịp Lễ, nhiều gia đình và người trẻ năm nay có xu hướng chuyển sang đi trước hoặc sau dịp lễ. Do chính phủ và các doanh nghiệp du lịch đang triển khai kích cầu du lịch nên không giống như những năm trước, năm nay các chương trình giảm giá du lịch kích cầu được triển khai kéo dài cả năm, có nhiều sự lựa chọn cho người dân.
Chị Giang (Vũng Tàu) cũng đã dời lịch đi chơi trước lễ một tuần thay bằng chờ đến đúng lễ. Phương án là sử dụng ngày nghỉ phép để bù vào ngày làm việc. Chị cho biết, tính ra chi phí nghỉ làm một ngày công còn rẻ hơn chi phí tăng do đi đúng dịp lễ.
Chỉ riêng giá phòng đúng dịp lễ phụ thu tăng từ 10%-25%. Giá vé máy bay vào dịp Lễ cũng tăng từ 20%-30% so với giá ngày thường.
Chị Huyền và gia đình đã lên kế hoạch và đặt khách sạn vào giữa tháng 4 ngay sau lễ 10/3 và trước lễ 30/4. Theo tính toán của chị, chi phí đã rẻ hơn đi trong dịp lễ khoảng 10%-15%. Phương án này gia đình chị đã áp dụng từ cách đây 4 năm và theo chị "năm nay, khi du lịch bùng nổ sau Covid thì tôi nghĩ đây là một phương án hoàn hảo".
http://tintuc.vdong.vn/04/1308422.htmAn Nhiên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.49951002101402202-el-pid-ahn-o-nohc-iougn-gnuhn/nv.zibefac