Hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh (1654-1722) được coi là một trong những vị vua vĩ đại nhất của Trung Quốc. Là vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, ông là một người làm việc không mệt mỏi, hết lòng quan tâm đến con dân của mình.
Bên cạnh đó, ông cũng là một nhà phát minh và là một thi nhân. Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ dưới triều đại của ông. Dưới sự cai trị của Khang Hy, thiên hạ đã có được một thời kỳ thái bình thịnh thế.
Vị hoàng đế này có với hoàng hậu và các phi tần của mình 56 người con.
Khang Hy rất coi trọng việc giáo dục và luôn đảm bảo con cháu của mình được nuôi dạy đàng hoàng. Các con của ông được nuôi dạy bởi những lễ nghi và kỷ luật nghiêm khắc.
Vào những ngày hè, bài học của những đứa trẻ được bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Đầu tiên, thầy giáo sẽ kiểm tra bài tập về nhà, sau đó sẽ dạy học cho các a ca và cách cách đến 7 giờ sáng. Đó là khi hoàng đế sẽ đến để kiểm tra việc học tập của các con. Bản thân ông trước đó đã thức dậy và làm việc được vài giờ.
Ông sẽ chọn ngẫu nhiên một đoạn trong sách để kiểm tra việc học thuộc lòng của các con. Và ông yêu cầu những đứa trẻ phải đọc thuộc lòng một cách hoàn hảo. "Trẫm sẽ đọc to một cuốn sách 120 lần và rồi lại đọc lại thêm 120 lần nữa. Đến khi trẫm thuộc lòng một đoạn rồi mới chuyển sang học đoạn tiếp theo. Trẫm học bài bằng cách thuộc từng đoạn một," hoàng đế Khang Hy nói.
Vào lúc 9 giờ sáng, Khang Hy sẽ rời đi để giải quyết các công việc chính sự trong khi các con của ông sẽ luyện tập thư pháp cho đến bữa trưa. Sau bữa trưa, những đứa trẻ được dạy cưỡi ngựa và bắn cung trong sân.
Ngay cả trong những ngày bận rộn, Khang Hy sẽ lại đến xem việc học hành của con cái lúc 5 giờ chiều và xem từng người con của mình bắn cung. Bản thân ông cũng sẽ bắn tên cùng với con mình bởi ông là một cung thủ cừ khôi.
Không chỉ kiểm tra các con trên lớp học, Khang Hy cũng làm gương cho các con trong những việc thiết thực khác. Ông đưa các con đi săn, thậm chí là đi viễn chinh, ra chiến trường. Ông tin rằng kinh nghiệm thực tế cũng quan trọng như lý thuyết trên lớp.
Khang Hy là một người tin tưởng vững chắc vào giáo dục, không chỉ cho con cái của mình, mà cho toàn bộ vương triều. Ông đã ủy quyền xuất bản một cuốn từ điển và bách khoa toàn thư. Đồng thời, bản thân ông muốn học hỏi suốt đời, thậm chí còn mời những người phương Tây làm thầy dạy riêng.
Tuy các con của Khang Hy không phải lúc nào cũng được dạy dỗ bởi nền giáo dục nghiêm khắc nhưng ai lớn lên cũng đều rất tài năng và thành đạt. Họ trở thành hoàng đế, chính trị gia, học giả, nhà khoa học và thi nhân nổi tiếng ở đỉnh cao của triều đại cuối cùng của Trung Quốc.
http://tintuc.vdong.vn/04/1308760.htm