Xuất thân là một sinh viên nông nghiệp quê ở An Giang, gần 4 năm trời đầu quân cho các công ty về cung cấp vật tư nông nghiệp, Đông đã nắm được trong tay rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Công việc tạo cho anh cơ hội đi được đến hầu hết các vùng nông nghiệp của Việt Nam cũng như những nước lân cận như Lào, Campuchia,…. Nhờ đó, Đông đã tạo dựng được cho bản thân rất nhiều mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp có uy tín cũng như các nhà vườn nông nghiệp ở các tỉnh lẻ vùng cao.
Nhận thấy thực tế nhu cầu sử dụng các thiết bị vật tư nông nghiệp, các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón của bà con nhà vườn ở vùng Tây Nguyên rất cao, Đông đã bắt đầu lên kế hoạch mở vài cửa hàng vật tư nông nghiệp trên thị trường tiềm năng này.
Năm 2017, với ít vốn của bản thân cùng sự hỗ trợ nguồn tiền của ba mẹ, Đông quyết định nghỉ việc ở công ty và khởi nghiệp với cửa hàng đầu tiên bằng tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng trên Đắk Lắk. Ngoài cung cấp vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật thì anh Đông đẩy mạnh tập trung vào phân phối phân bón.
“Tại thời điểm đó, giá phân bón chưa cao như bây giờ, nhưng các dòng phân đơn và phân NPK thì luôn có giá đắt hơn. Các đại lý/ cửa hàng nhỏ lẻ bán phân bón trên này hầu như không có vốn để nhập nhiều hoặc nhập sẵn hàng mấy dòng đó", anh kể.
Một góc trưng bày các loại thuốc bảo vệ thực vật trong cửa hàng của anh Đông
Tận dụng lợi thế nguồn vốn có sẵn của gia đình, anh Đông đã tranh thủ được cho mình một ưu thế cạnh tranh trên thị trường Đắk Lắk lúc bấy giờ. Nhập được hàng hóa với số lượng nhiều sẽ được ưu đãi giá nhiều hơn từ nhà cung cấp/ nhà sản xuất, anh Đông bán lại cho các nhà vườn ở mức giá khá tốt.
"Buôn bán bên ngành này đặc thù là nông dân họ mua nợ, cuối vụ thu hoạch thì họ mới trả tiền. Thằng nào có vốn mạnh, chấp nhận cho nông dân nợ nhiều thì thằng đó mới hút được nhiều khách. Tính sơ sơ thì số nợ khách chưa thu được của anh lên đến 2-3 tỷ rồi", anh kể thêm.
Thời gian đầu, lượng khách trung bình bù qua chế lại các tháng thì lời đâu đó gần 30-40 triệu mỗi tháng sau khi đã cấn trừ hết các chi phí. Hơn nữa, chấp nhận cho nông dân nợ lâu, anh Đông "kèo" được rất nhiều khách quen. Nhờ bán phân lời nhiều, lãi chồng lãi, sau 1-2 năm tích góp, anh Đông lại mở thêm các chi nhánh ở xã/ huyện khác và mở sang Đắk Nông để thuận tiện cho phân phối đi nhiều nơi, tranh thủ bao phủ được khắp các đối tượng khách hàng trong vùng. Cho đến nay, anh đã là chủ của 5 của hàng phân phối vật tư nông nghiệp trên khu vực này.
Khai trương chi nhánh mới trên Đắk Lắk
Cuối năm 2020, tính toán đã hoàn được vốn và tích góp dư ra được mấy trăm làm ít vốn riêng, anh Đông mua lại miếng đất hơn 200m2 mà mình đã thuê mở cửa hàng đầu tiên chỉ với giá gần 300 triệu. " Như thế là quá rẻ", nhận thấy giá đất "quá rẻ", anh Đông định bụng tìm mua thêm 1-2 miếng khác để mở thêm chi nhánh hoặc làm kho trữ hàng hóa.
"Hồi đó đất trên đây còn rẻ lắm, chưa có sốt như bây giờ, người ta rao bán mấy mảnh đất ở mấy huyện xã xa xôi không ai dòm tới". Vì dự định mua để sau này mở kho, anh Đông mua thêm một mảnh đất khá rộng (dài 20m, ngang sâu vô tầm 30m) với giá gần 500 triệu. Thủ tục giấy tờ cũng rõ ràng nên không tốn nhiều thời gian lắm. Vài tháng sau đó, anh tiếp tục mua thêm một miếng khác ở Đắk Nông cũng với dự định để làm kho ở đó.
Tình hình dịch Covid-19 bùng phát quá mạnh, anh Đông phải tạm hoãn các dự định mở kho/ chi nhánh mới để tập trung nguồn vốn nhập hàng cho các cửa hàng hiện tại hoạt động ổn định. Thời gian dịch kéo dài lâu làm nguồn vốn vơi đi nhiều và sắp không trụ được, anh Đông quyết định rao bán bớt miếng đất thị trấn ở Đắk Nông.
Với sự tư vấn của bạn bè trên đó, anh bán được miếng đất với giá gấp 4 lần hồi mua vào. "Anh không ngờ lại bán được giá cao như thế, cảm giác như mình giàu lên quá nhanh", anh Đông chia sẻ rằng bản thân cảm thấy rất bất ngờ vì sự "giàu" lên nhanh chóng này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
"Thấy lời nhiều nên ham". Anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về thị trường đất đai trên các tỉnh vùng cao và dấn thân vào nghề "buôn đất", cứ thấy miếng nào còn "rẻ rẻ" là anh lại mua để đó. Anh còn rủ thêm ba mẹ ở quê đầu tư cùng để mua thêm. "Đất hồi đó chưa có sốt như giờ, chỉ có vài trăm triệu một miếng".
Rồi một năm trở lại đây, mấy dự án ở mấy tỉnh Tây Nguyên trở nên rộn ràng tin tức. "Thật cũng có, đồn thổi lên cũng nhiều. Mà nó làm đất ở đây sốt kinh khủng". Anh Đông kể ngày nào cũng có người gọi tới hỏi mua đất của anh. "Cứ miếng nào được người ta trả giá cao gấp 3-4 lần, thậm chí có miếng trả gấp 7 lần, là anh gật đầu chốt bán ngay."
"Thấy trả cao quá cũng ảo, mà họ có tiền mua thì mình cứ bán, mình lời chứ không lỗ nên cũng chẳng sợ gì".
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhờ vào mấy cơn sốt đất mà năm rồi anh và ba mẹ thu về được khoảng lãi gần 20 tỷ đồng. Nắm được số vốn khá lớn, anh Đông đang muốn tìm hiểu và đầu tư thêm một vài lô đất ở mấy tỉnh lân cận. Anh Đông chọn rẻ hướng thêm làm "buôn đất" chứ không định mở thêm kho/ chi nhánh cửa hàng khác như kế hoạch ban đầu.
Tâm sự về sự "giàu lên" bất ngờ của bản thân, anh Đông cho rằng mình thật sự rất may mắn vì không bị áp lực từ bài toán tài chính vốn ban đầu: "Từ khi bắt đầu khởi nghiệp, anh đã có được hậu thuẫn vốn từ ba mẹ nên mới mạnh mẽ làm lớn được như thế. Mấy cửa hàng ban đầu cũng trầy trật nhưng giờ làm ăn ổn định rồi. Mà khách nhiều hơn thì với mấy cái nợ khó thu cũng tăng thêm nhiều hơn". Ngoài ra, anh còn cho rằng may mắn hơn nữa là nhờ trúng lời của mấy lô đất ban đầu, bù qua vốn bên cửa hàng nên nhẹ gánh cái "mùa dịch", mà lại có cái vốn dư để mình mạnh dạn đầu tư "buôn" thêm.
http://tintuc.vdong.vn/04/1309150.htmHà Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế