Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), cho biết tự động hóa là một cấu phần quan trọng trong việc triển khai đề án xây dựng Lưới điện thông minh mà EVNHCMC đã bắt đầu thiết lập từ năm 2011. Giai đoạn 2014-2015, EVNHCMC đã bắt đầu triển khai tự động hóa lưới điện bằng việc triển khai thí điểm trạm 110kV không người trực đầu tiên của cả nước (trạm 110kV Tân Sơn Nhất) cũng như các dự án tự động hóa lưới điện trung thế ngầm (tại khu công nghệ cao, quận 9) và nổi (khu dân cư quận 7).
EVNHCMC đã đưa vào vận hành điều khiển từ xa 56/56 trạm 110kV
Sau thành công của các dự án thí điểm nêu trên, đến nay EVNHCMC đã kết nối, thử nghiệm và đưa vào vận hành điều khiển từ xa 56/56 trạm 110kV, trong đó có 48/56 trạm vận hành hoàn toàn không người trực. Đối với lưới điện trung áp 22kV, EVNHCMC đang vận hành điều khiển xa 64 trạm ngắt và 1.062 tuyến dây. Các tuyến dây đều được phân đoạn và giao liên với nhau bằng thiết bị đóng cắt có chức năng SCADA để có thể thao tác điều khiển xa khi cần thiết. Điều đặc biệt là 60% các tuyến dây trung áp 22kV nói trên đang được vận hành tự động hóa DAS/DMS hoàn toàn và có khả năng tự động cô lập khu vực sự cố và cung cấp điện lại cho các khu vực khác trong khoảng thời gian 1-2 phút.
Theo ông Hưng, qua quá trình triển khai tự động hóa lưới điện, EVNHCMC đã xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ hoàn toàn công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối từ khâu thiết kế, mua sắm VTTB, lắp đặt, cấu hình, lập trình, thử nghiệm, đưa các hệ thống vào vận hành và sau đó là quản lý sửa chữa bảo dưỡng, cập nhật, nâng cấp. Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, không ngừng nâng cao độ tin cậy lưới điện.
EVNHCMC tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số
"Trong thời gian 10 năm, từ chỉ số SAIFI (số lần mất điện bình quân/năm) là 25,04 lần và SAIDI (thời gian mất điện bình quân/năm) là 3.433 phút năm 2011, đến năm 2021, EVNHCMC đã đạt SAIFI 0,54 lần và SAIDI 41 phút (bình quân mỗi năm giảm SAIFI 32,71% và SAIDI 35,57%). Chỉ số này đã tương đương với các Công ty Điện lực tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, giúp tiết kiệm chi phí do không cần phải thuê đơn vị tư vấn, không tốn nhân lực thuê ngoài khi cần lập trình, nâng cấp, mở rộng. Đây cũng là nền tảng, cơ sở, là tiền đề để Tổng công ty tiếp tục ươm mầm, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và phát triển lưới điện thông minh trong giai đoạn hiện nay" – ông Hưng thông tin.
Trên cơ sở những thành công đã đạt được, EVNHCMC cũng đã xây dựng đề án phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2021- 2025, trong đó đặt mục tiêu vào Top 50 công ty điện lực có lưới điện thông minh tốt nhất trên toàn thế giới.
Đối với tự động lưới điện, Tổng công ty tiếp tục triển khai những hạng mục nâng cao. Cụ thể, ngay trong năm 2022, EVNHCMC sẽ đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển dự phòng tách biệt hoàn toàn về mặt vật lý đối với trung tâm chính. Cùng với đó là nâng tỉ lệ tự động hóa lưới điện trung thế từ 60% lên 100%, đưa vào ứng dụng trạm 110kV không người trực đầu tiên, đồng thời triển khai thí điểm dự án hạ tầng đo đếm thông minh.
Đối với các giai đoạn tiếp theo, Tổng công ty sẽ triển khai các ứng dụng khác như giám sát điều khiển từ xa lưới điện hạ thế, xây dựng quản lý các nguồn năng lượng phân tán cũng như mở rộng hệ thống lưới điện thông minh thu nhỏ trên toàn địa bàn thành phố.
Xây dựng thành công chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS
Ngành điện TP rất tự hào khi Chương trình quản lý mất điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xét duyệt và công nhận là sản phẩm "Made by EVN". Ông Luân Quốc Hưng chia sẻ, đối với tổng công ty phân phối, công tác quản lý mất điện là vô cùng quan trọng. Với nhu cầu ngày càng nâng cao và đáp ứng chuyển đổi số, từ năm 2016, bằng nguồn lực nội bộ, EVNHCMC đã nghiên cứu thành công xây dựng Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS. "Chương trình này được viết trên mã nguồn mở hết sức linh hoạt trong việc lập trình cũng như kết nối với các hệ thống khác, giúp việc cung cấp điện, quản lý điện, sửa chữa quản lý cung cấp điện được thực hiện trực quan sinh động trên sơ đồ đơn tuyến. Ngoài ra, kết hợp với hệ thống tự động hóa thì các thiết bị được giám sát điều khiển, công tơ đo đếm thông minh đều truyền dữ liệu về chương trình này, qua đó chúng tôi có thể giám sát được tình hình cung cấp điện trên toàn địa bàn TP 24/7. Chương trình này đã được EVN chấp thuận sử dụng đại trà tại các công ty điện lực trên cả nước, qua đó giúp cho thống nhất và đồng bộ công tác quản lý, báo cáo" – ông Hưng tự hào.
Xem thêm: mth.96265429011402202-neid-ioul-aoh-gnod-ut-ehgn-gnoc-naot-naoh-uhc-mal-cmchnve/et-hnik/nv.moc.dln