Người dân đi ngoài đường dưới tiết trời oi bức - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều người bệnh phải gặp bác sĩ "cầu cứu" khi gặp các vấn đề về da liên quan thời tiết nắng nóng.
Da bị bỏng, rám má, lão hóa sớm
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày sắp tới, chỉ số tia UV tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao đến sức khỏe (9.0 - 10.0). Riêng Nam Bộ được dự báo sẽ đạt mức rất cao tới nguy hiểm (10.0 - 11.0).
Ngày 8-4, anh P.V.H. (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) lái xe máy khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ từ Bình Chánh về trung tâm thành phố giữa trưa nắng.
Vì không trang bị kính mát và găng tay nên khi về tới nhà, anh H. có dấu hiệu hoa mắt và hai bàn tay bị sạm màu, nếu miết nhẹ thì có cảm giác bỏng rát…
Trong khoảng thời gian này, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã điều trị nhiều trường hợp bệnh lý bỏng nắng da, phát ban đơn dạng ánh sáng và các bệnh lý sắc tố da trở nên nặng nề hơn như rám má, bệnh lý tăng sắc tố lớp thượng bì.
Điển hình một nam bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện vì tình trạng sạm da nặng sau khi đi biển với đặc điểm dát tăng sắc tố màu vàng nâu đến nâu đậm phân bố gần như toàn bộ diện tích khuôn mặt.
Bác sĩ Phan Ngọc Huy (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài gây nhiều tác hại trên làn da, đặc biệt khi chỉ số tia cực tím trong ánh nắng mặt trời "tím ngắt", điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe làn da.
Trong quá trình khám và tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Văn Tâm - giảng viên khoa da liễu Đại học Y Hà Nội - nhận thấy nhiều người lão hóa da sớm.
"Bình thường, độ tuổi bắt đầu lão hóa da bắt đầu từ 25 - 30 tuổi, tuy nhiên hiện nay nhiều người lão hóa sớm, có những phụ nữ 20 tuổi đã bắt đầu xuất hiện lão hóa", bác sĩ Tâm nhận định.
Bệnh nhân bị tăng sắc tố da nặng sau khi đi biển - Ảnh: BVCC
Có thể gây ung thư da sớm
Bác sĩ Phan Huy Ngọc cho hay tia cực tím cường độ cao tác động lên làn da có thể gây lão hóa da nhanh và ung thư da sớm.
Các nghiên cứu cho thấy thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trên 1 giờ mỗi ngày sẽ gây lão hóa sớm. Theo thời gian, da có thể bị nhăn nheo và nhất là hình thành các vết nám, tàn nhang, đốm nâu và các bệnh lý tăng sắc tố da khác.
Ngoài ra, tia cực tím còn là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư da trong dài hạn. Ung thư da tế bào đáy và tế bào gai là hai loại ung thư da phổ biến nhất. Chúng thường xuất hiện ở các vùng phơi bày ra ánh sáng như đầu và cổ. Các tình trạng này đòi hỏi cần được tầm soát và phát hiện sớm để tránh các di chứng nặng hơn.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm còn cho biết thêm khi da tiếp xúc thời gian dài với tia cực tím, có thể ảnh hưởng cấp tính như: gây bỏng da, thâm da, ngứa ngáy khó chịu.
Các ảnh hưởng mãn tính như xuất hiện tàn nhang, đồi mồi, nám, xuất hiện nhiều nếp nhăn, thậm chí có thể gây ung thư da hắc tố hoặc không hắc tố.
Bác sĩ Phan Huy Ngọc khuyến cáo bảo vệ làn da trước tác động của tia cực tím đóng vai trò rất quan trọng trong dài hạn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại rất cao.
Sử dụng các biện pháp che tránh nắng cơ học (khẩu trang, nón rộng vành, kính mát…) và kem chống nắng thường xuyên là rất cần thiết ngay cả khi trời mưa hay không có ánh nắng gắt.
Khi chúng ta hoạt động ngoài trời nhiều trong thời tiết nắng nóng hiện nay cần bổ sung thêm nhiều nước và chất khoáng để cung cấp đủ ẩm cho làn da và cơ thể.
Riêng với các trường hợp đang điều trị thuốc cũng có khả năng làm làn da trở nên nhạy cảm ánh sáng như kháng sinh (nhóm tetracyclines, fluoroquinolones), thuốc kháng viêm (ibuprofen, celecoxib), thuốc tim mạch (amiodarone, diltiazem…) và các loại thuốc khác.
Việc điều trị các tổn thương da do ánh nắng mặt trời cần đúng đắn và kịp thời để tránh các biến chứng nặng hơn. Tốt nhất khi da có "vấn đề" hãy đến khám tại các cơ sở uy tín để được tư vấn, điều trị.
Tắm nắng cho bé thời gian nào?
Trước nhiều băn khoăn của các bậc phụ huynh rằng trẻ em cần tắm nắng như thế nào để tránh ảnh hưởng của tia cực tím.
Về vấn đề này, bác sĩ Tâm khuyến cáo cha mẹ khi tắm nắng cho trẻ nên tránh thời điểm tia cực tím nhiều, có thể cho trẻ tắm nắng khoảng 10 phút vào 7h-8h. Tuy nhiên, cần theo dõi thông tin dự báo chỉ số tia cực tím trong từng khu vực, bởi không phải khu vực nào chỉ số tia cực tím cũng giống nhau.
Có ánh sáng là có tia cực tím
Theo ông Nguyễn Đức Ngữ - nguyên phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mặc dù thời tiết miền Bắc bắt đầu vào mùa hè, thế nhưng không phải khi nào có nắng gắt thì chỉ số tia cực tím mới cao.
Nhiều người lầm tưởng, phải có ánh nắng mới có tia cực tím. Tuy nhiên theo ông Ngữ, chỉ cần có ánh sáng mặt trời là có tia cực tím.
"Mặt trời tỏa ra cả 3 loại tia cực tím: UVA, UVB và UVC vì vậy khi có ánh sáng mặt trời nghĩa là có tia cực tím. Theo lý thuyết, tầng ozon sẽ hấp thụ tia cực tím. Những năm gần đây, tình trạng thủng tầng ozon khiến các tia UVB, UVC trở nên dày đặc hơn trong ánh sáng mặt trời.
Vào những ngày mưa hoặc nhiều mây, còn nhiều loại tia khác vẫn hoạt động âm thầm, có thể xuyên qua mây mù, gây ra các tổn thương đến da", ông Đức Ngữ phân tích.
TTO - Ngày 10-4, chỉ số tia cực tím 3 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Bộ gồm: Nha Trang ở mức 10.8; Cà Mau ở mức 10.9; Cần Thơ ở mức 10.5, mức đặc biệt cao, rất nguy hiểm.
Xem thêm: mth.69711241111402202-ig-oc-yugn-ar-yag-es-oac-tar-iah-yugn-cum-mit-cuc-ait/nv.ertiout