Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về liệu sẽ có đợt huy động vốn mới của Xendit, bà Tessa cho hay, startup này sẽ không huy động vốn ở thời điểm hiện tại, khi doanh nghiệp đang trên đà hoạt động ổn định.
Trước đó, tháng 9/2021, Xendit huy động thành công 150 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C do quỹ đầu tư mạo hiểm Tiger Global dẫn đầu với sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại, đó là Accel, Amasia và Goat Capital do Justin Kan sở hữu, đưa startup này trở thành kỳ lân fintech mới hiếm hoi tại Indonesia.
Hiện tại, Xendit xử lý hơn 65 triệu giao dịch trị giá tới 6,5 tỷ USD hàng năm. Founder và đội ngũ 600 người của bà đã thực hiện các thanh toán trực tuyến, điều hành thị trường và quản lý tài chính cho các doanh nghiệp ở Malaysia, Philippines, Singapore và một số quốc gia khác. Khách hàng của Xendit hiện tại có thể kể tới Grab, Wise và Traveloka.
Sau khi gọi vốn thành công tại Series C, Xendit sẽ đổi mới các sản phẩm của mình, với mục tiêu mở rộng sang một số quốc gia tại Đông Nam Á do tiềm năng phát triển rất lớn ở khu vực này.
Vị Giám đốc chia sẻ, thời gian tới, Xendit sẽ tập trung mở rộng ở thị trường Đông Nam Á. "Chúng tôi đang làm rất tốt tại thị trường quê nhà là Indonesia. Mới đây, Xendit đã mở rộng tại Philippines và đạt những kết quả rất tích cực".
Trong bối cảnh đại dịch, Xendit đã ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 200%/năm. "Chúng tôi rất hào hứng với kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác ở Đông Nam Á. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đang yêu cầu mở rộng sang các thị trường như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Chúng tôi coi đây là đòn bẩy tăng trưởng trong thời gian tới".
Liên quan đến những khó khăn đối với việc gia nhập một số thị trường mà tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng thấp, bà Tessa khẳng định, đại dịch đã phần nào tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa vả nhỏ trong chuyển đổi số. "Chuyển đổi số không còn là câu chuyện về lựa chọn của doanh nghiệp, mà là việc buộc phải làm".
Hiện nền tảng Xendit đang có khoảng 7.000 lượt đăng ký mỗi tháng chỉ danh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó chính là dấu hiệu có thấy các doanh nghiệp này nhìn ra tiềm năng để phát triển. Theo đại diện Xendit, xu hướng hiện nay chính là kinh tế số. "Chúng ta sử dụng điện thoại mọi lúc, từ ở nhà, đến khi ra ngoài phải dùng mã QR, rồi mua sắm, và nhiều việc khác. Chuyển đổi số đã dần ăn sâu vào thói quen sinh hoạt người dùng".
Vốn đổ vào fintech ở Việt Nam tiếp tục ưu tiên ví điện tử
Trên thực tế, năm 2021, nguồn vốn đầu tư "đổ" vào fintech ở ASEAN đã tăng mạnh trở lại, với tổng số vốn trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng hơn gấp ba lần so với cả năm 2020 ở mức cao lịch sử 3,5 tỷ USD.
Theo báo cáo fintech ở ASEAN năm 2021 của UOB, PwC Singapore và Hiệp hội fintech Singapore (SFA) vừa được công bố ngày 11/11, sự phục hồi của nguồn tài trợ fintech được thúc đẩy bởi 167 thương vụ bao gồm 13 vòng gọi vốn lớn, chiếm 2 tỷ USD trong tổng số vốn tài trợ. Trong đó, vòng gọi vốn lớn được định nghĩa là vòng gọi vốn tài trợ từ 100 triệu USD trở lên.
Với 388 triệu USD gọi vốn thành công, Việt Nam đứng thứ ba về vốn tài trợ fintech, vị trí này có rớt hạng so với hai năm trước, tuy nhiên đã có mức phục hồi mạnh mẽ so với năm ngoái.
Nguồn vốn tăng trở lại là nhờ vào hai vòng gọi vốn lớn, cụ thể là 250 triệu USD vào VNPay, nhà cung cấp giải pháp thanh toán di động cho các ngân hàng và doanh nghiệp, và 100 triệu USD vào vòng gọi vốn Series D của MoMo.
Với việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng ở ASEAN, các nhà đầu tư đã đặt niềm tin và rót số tiền cao nhất vào các công ty fintech giai đoạn cuối từ lĩnh vực thanh toán.
Trong đó, những công ty fintech có trụ sở tại Singapore tiếp tục thu hút nguồn vốn mạnh nhất của ASEAN, chiếm gần một nửa (49%) tổng số thương vụ thông qua sáu vòng gọi vốn lớn tương đương trị giá 972 triệu USD trên tổng số 1,6 tỉ USD vốn tài trợ.
Indonesia vẫn giữ vị trí thứ hai trong năm nay, thu về 904 triệu USD vốn tài trợ (26%). Các công ty fintech ở Singapore và Indonesia đã nhận được tài trợ trong hầu hết các danh mục, một dấu hiệu cho thấy đây là một ngành công nghiệp sôi động và đang phát triển với bối cảnh đầu tư tích cực.
Ông Shadab Taiyabi, chủ tịch, SFA, cho biết một động lực chính của sự hồi sinh này là đại dịch, đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số ở khắp khu vực ASEAN, thúc đẩy sự gia tăng thanh toán kỹ thuật số và thúc đẩy sự dịch chuyển sang các kênh kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Về danh mục đầu tư, các khoản tiền được rót vào các công ty công nghệ đầu tư và tiền điện tử ở ASEAN đã có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021, đưa cả hai danh mục lên vị trí thứ hai và thứ ba tương ứng sau danh mục thanh toán.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 năm, hoạt động cho vay thay thế đã bị vượt ra khỏi ba vị trí hàng đầu về nguồn vốn đầu tư do người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đối với các khoản đầu tư kỹ thuật số và tiền tệ kỹ thuật số.
So với năm 2020, vốn tài trợ cho các công ty công nghệ đầu tư đã tăng sáu lần lên mức 457 triệu USD trong năm nay. Theo một cuộc khảo sát, 6 trong số 10 người tiêu dùng ASEAN đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số như cố vấn robot và nền tảng môi giới trực tuyến cho nhu cầu đầu tư của họ.
Vốn tài trợ cho các công ty tiền điện tử đứng thứ ba với 356 triệu USD khi họ thu hút được gấp năm lần số tiền nhận được vào năm 2020. Thống kê nhấn mạnh, cứ 10 người tiêu dùng ASEAN thì có 9 người bắt đầu hoặc có kế hoạch sử dụng tiền điện tử và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
https://cafef.vn/sau-khi-goi-von-thanh-cong-150-trieu-usd-mot-ky-lan-fintech-cua-dong-nam-a-len-ke-hoach-mo-rong-thi-truong-tai-viet-nam-20220411154007549.chnTheo Anh Vũ
Nhịp sống kinh tế