Ngày 10-4, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh đã trình UBND tỉnh Đắk Lắk hướng xử lý vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại các tiểu khu 222 và 205 xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích rừng bị phá là 382,07ha tại các khoảnh 2, 3 thuộc tiểu khu 222 và từ khoảnh 1 đến khoảnh 8 thuộc tiểu khu 205.
Diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê hiện do UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp quản lý; rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trữ lượng bình quân 10,77m3/ha. Đây là vụ vi phạm có mức độ nghiêm trọng, diện tích rừng bị thiệt hại lớn. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo huyện Ea Súp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, giao UBND huyện Ea Súp chỉ đạo UBND xã Ya Tờ Mốt bố trí lực lượng, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp bảo vệ hiện trường, trông coi, bảo vệ tang vật vụ phá rừng trái pháp luật hơn 382ha này. Đồng thời, UBND huyện Ea Súp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ, phát triển rừng nhằm tăng cường kỷ cương và giám sát việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực này. UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ phá rừng tại các tiểu khu 222 và 205 xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Ea Súp làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng trái pháp luật, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời để xử lý nghiêm. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, tỉnh theo dõi sát tiến trình điều tra, xác minh, xử lý vụ phá rừng ở huyện Ea Súp. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã xuống hiện trường kiểm tra, xác minh vụ việc; quan điểm của tỉnh là cá nhân, tổ chức nào sai phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục đo tính, thống kê thiệt hại về gỗ, điều tra, xử lý nghiêm vụ vi phạm; thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tình trạng xâm hại rừng trên địa bàn huyện Ea Súp. Chi cục Kiểm lâm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ. Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm chịu trách nhiệm nếu không kịp thời triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được giao và không kịp thời báo cáo cấp trên. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã và các đơn vị chủ rừng tuần tra, mật phục, chốt chặn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý; chủ động kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp do Hạt phát hiện và tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến.
Tại Lâm Đồng, gần đây cũng liên tục trở thành điểm "nóng" của nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn trên các địa bàn huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc... Mới đây là vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 267 (thôn KRèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng). Ngày 10-4, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có văn bản triển khai thực hiện thông báo của UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, trong đó nổi trội là thực trạng phá rừng tại thôn KRèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Nhiều diện tích rừng nhanh chóng bị biến thành đồi trọc và có cả việc rao bán ngang nhiên đất rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng. Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng giao Phòng Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tham mưu, điều chuyển công tác đối với các hạt trưởng hạt Kiểm lâm tại các địa bàn để xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng giao Chi cục Kiểm lâm rà soát các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng nổi cộm trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ 2018 đến hết quý I năm 2022, báo cáo cho Tổ công tác của UBND tỉnh trước ngày 15-4.
Ngoài ra, Sở NN &PTNT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy hoạt động của đơn vị. Trong đó cần đánh giá cụ thể năng lực, trình độ chuyên môn và sở trường công tác của từng công chức kiểm lâm để sắp xếp, bố trí cho phù hợp. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng bảo vệ rừng nòng cốt của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu đề xuất phương án thành lập hạt kiểm lâm liên huyện trên cơ sở hợp nhất các hạt kiểm lâm cấp huyện có diện tích rừng dưới 3.000ha.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm phải kiên quyết đề xuất xử lý nghiêm những công chức kiểm lâm thiếu trách nhiêm, buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.