Trước thềm kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ, một nhóm nhà đầu tư chuyền tay biểu dữ liệu kèm lời bình: "Nhìn lợi suất trái phiếu chính phủ của thiên hạ thì thấy của ta chưa là gì!".
Trên thị trường một tuần qua, lợi suất nhiều loại trái phiếu chính phủ đồng loạt tăng. Đặc biệt tại Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã vọt trên 2,7%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm cũng tăng vọt lên hơn 2,8%. Cả hai loại trái phiếu này đều đã tăng trên 35 điểm chỉ sau những ngày đầu tháng Tư này.
Vì sao có sự đột biến trên và nó mang đến thông điệp gì?
Tham vấn ý kiến chuyên gia cũng như thảo luận từ nhóm nhà đầu tư nói trên, một cảnh báo đang hình thành và áp lực tăng lãi suất hiện chỉ còn đợi "điểm nổ" để kích hoạt.
Thực ra, thể hiện rõ trên đồ thị, điểm tăng mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, cũng như Việt Nam khá đồng nhịp, diễn ra từ trung tuần tháng Ba vừa qua - thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất, tạo dấu mốc đầu tiên để dần bước qua thời tiền rẻ. Diễn biến cho đến nay tiếp tục phản ánh kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed sẽ còn các lần tăng lãi suất.
Khả năng đó ngày càng trở nên lớn. Fed đã phải thừa nhận thực tế lạm phát không còn "tạm thời" nữa, mà trở nên lâu dài hơn; chính sách tiền tệ theo đó dường như cần những giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát.
"Lạm phát với Mỹ hiện nay là vấn đề số 1. Lợi suất trái phiếu chính phủ phản ánh kỳ vọng trong trung hạn. Nó phản ánh trước nhưng không thể cứ tăng mãi, rồi sẽ đến điểm trở thành trung tính và ổn định", một thành viên nhóm nhà đầu tư trên bình luận, mà thực tế hàng loạt các tổ chức quốc tế vừa qua cũng đều dự báo Fed sẽ tiếp tục có các/nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay.
Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Việt Nam kỳ hạn 10 năm - Nguồn: TradingView
VIỆT NAM CÒN LỰC ĐỠ, NHƯNG "ĐIỂM NỔ" CHỈ CÒN LÀ THỜI GIAN?
Với Việt Nam thì sao, vì sao lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tăng vọt thời gian gần đây và diễn biến này phản ánh điều gì?
Một chuyên gia có mặt trong nhóm thảo luận trên đưa ra góc nhìn, mà trước hết gắn với thực tế đã và đang diễn ra.
Như cập nhật gần đây, thị trường ghi nhận liên tiếp những phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thất bại, thậm chí có phiên thất bại 100%. Lãi suất đặt thầu ở những phiên đó "đòi" cao hơn. Đây là tín hiệu cụ thể về áp lực tăng lãi suất – điều cũng ngày càng phản ánh lớn hơn ở chênh lệch lợi suất trên thị trường thứ cấp doãng rất rộng so với lãi suất trên thị trường cơ sở.
Lợi suất tăng thì giá xuống, hay lãi suất của trái phiếu đưa ra chào thầu trở nên kém hấp dẫn, thị trường kỳ vọng cao hơn. Nhưng áp lực trên ở Việt Nam còn những điểm đáng bàn.
Theo vị chuyên gia trên, áp lực đối với phát hành trái phiếu Chính phủ Việt Nam hiện nay chưa lớn, còn có độ trễ. Song, áp lực rồi sẽ lớn bởi kế hoạch phát hành năm nay khá tham vọng (với 400.000 tỷ đồng), mà tỷ lệ trúng thầu vừa qua rất thấp (như trong tháng Ba vừa qua chỉ đạt 31%).
|
Mặt khác, áp lực hiện chưa lớn bởi tại Việt Nam vẫn đang có lực đỡ quan trọng: sự tham gia của Bảo hiểm Xã hội, cùng "Big 3" Vietcombank, VietinBank và BIDV.
"Các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ vẫn luôn có lực đỡ quan trọng ở sự tham gia của Bảo hiểm Xã hội, cùng với mức độ nhất định của "Big 3". Điều này có phần chưa phản ánh hết bối cảnh và các đặc điểm của thị trường hiện nay. Điều kiện đã không còn như trước", vị chuyên gia trên phân tích.
Bảo hiểm Xã hội tạo cầu đỡ cho đấu thầu, bởi tham gia đầu tư trái phiếu Chính phủ là một yêu cầu mặc định cho nhiệm vụ của họ, không hẳn với nhiệm vụ tối ưu hóa lợi nhuận trong sử dụng vốn. "Big 3" có một cấu phần tham gia, nhất là sau các đợt tăng vốn, như một cấu phần dự trữ bằng trái phiếu Chính phủ; tuy nhiên, là ngân hàng thương mại họ sẽ hướng đến hiệu quả đầu tư cao hơn nên lực cầu ở đây có hạn.
Trong khi đó, điều kiện thị trường đã không còn như trước.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng vọt và hiệu ứng tâm lý thị trường, lạm phát nổi lên mang tính lâu dài hơn và Fed hướng tới khả năng các đợt tăng lãi suất tiếp.
Trong nước, giải ngân đầu tư công quỹ đầu năm còn chậm và vẫn còn phần vốn ứ đọng. Tốc độ giải ngân dự kiến mạnh dần từ quý 2, và khi thực sự mạnh lên thì câu chuyện trở nên khác. Cùng đó, lãi suất trên các thị trường, như trên thị trường liên ngân hàng, đã không còn "đầu 1" và thấp như trước nữa…
"Vậy nên áp lực tăng lãi suất và đà tăng cao của lợi suất trái phiếu Chính phủ là hiện hữu, hiện chỉ chờ nhân tố kích hoạt. Các yếu tố trên, đặc biệt ở tốc độ đầu ra giải ngân đầu tư công nếu thực sự mạnh lên thì áp lực đó trở nên rõ ràng hơn và cụ thế hóa ở lãi suất tăng", vị chuyên gia trên dự tính.
Với xu hướng và dự tính đó, Việt Nam sẽ phải xa dần sự thuận lợi và dễ chịu trong hoạt động đi vay. Trái phiếu Chính phủ sẽ dần rời vùng kỷ lục lãi suất thấp quanh 2%/năm cùng kỳ hạn vay được nới dài. Và như vậy, chi phí tăng lên đối với ngân sách cũng là một tương lai đang gần hiện thực, nếu như muốn đảm bảo tiến độ và hoàn thành được kế hoạch huy động 400.000 tỷ đồng năm nay.
Theo Minh Đức
Bizlive
Xem thêm: nhc.84784220211402202-oab-hnac-al-ihc-iom-iab-taht-ueihp-iart-uaht-uad-neihp-gnuhn/nv.zibefac