Những năm gần đây, farmstay, mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp bất động sản đang nở rộ và trở thành xu hướng mới.
Thấy nhiều người “bỏ phố về rừng” làm farmstay, cuộc sống của họ được đăng tải lên mạng xã hội khá “nên thơ”, anh Nguyễn Tú (27 tuổi), sinh sống ở TP.HCM cũng quyết định bỏ lại nơi phố xá đông đúc tìm về với vườn tược làm farmstay.
Chia sẻ với quyết định này, anh tâm sự: “Tôi gốc là người Hà Nội, sau khi học xong đại học vào TP.HCM làm việc. Nhưng cuộc sống, công việc có quá nhiều điều khiến tôi thất vọng nên tôi quyết định về làm farmstay”.
Thế nhưng, sau khi vận hành được hơn 1 năm, anh Tú mới nhận thấy làm chàng nông dân kiêm thêm cả kinh doanh không hề dễ dàng chút nào.
Anh cho biết: “Tôi đã bỏ ra 500 triệu để cải tạo đất, mua giống cây trồng, làm hệ thống ống nước tưới cây, xây vài khu nhà cho khách đến thăm quan, trải nghiệm… Thế nhưng, cây trồng không đúng kỹ thuật nên chết, cây sống được thì bị chuột cắn, hệ thống tưới nước cũng hỏng vì bị chuột phá hoại…
Thực sự, ban đầu, tôi nghĩ cuộc sống về vườn màu hồng lắm, chứ không nghĩ đủ loại khó khăn như bây giờ. Bao vốn liếng tôi đổ hết vào đây, giờ nguồn thu không có, tôi phải đi vay thêm tiền từ người thân, bạn bè để có kinh phí vận hành. Đó là chưa kể đến việc, khu đất 2ha ở Đắk Lắk mà tôi đang sử dụng là của người thân cho mượn nên tôi không phải bỏ ra khoản tiền thuê hoặc mua đất”.
Chàng trai gốc Hà Nội chia sẻ, vì không có kinh nghiệm, cộng thêm với việc trước khi làm cũng không tìm hiểu những người đi trước đã làm như thế nào, có những khó khăn gì, cần chú ý những gì… nên khi bắt tay vào thực hiện thì làm đâu vướng đấy.
“Sau gần 2 năm vận hành, tôi vẫn chưa thu được đồng lợi nhuận nào, vốn liếng thì chôn hết ở đây rồi. Có những lúc trong túi một đồng không có, tôi phải lục này trong trí nhớ xem trước đây ai có vay tiền của mình, nhắn cho họ một câu để họ trả, lấy tiền chi tiêu. Nhiều lúc cũng cảm thấy oải, nhưng đây là con đường, là quyết định của mình nên tự vực dậy tinh thần mà cố làm tới cùng thôi”, anh Tú chia sẻ.
"Mách nước" đầu tư farmstay
Đầu tư mô hình farmstay không hề dễ dàng, do đó, sau một thời gian nở rộ thì xuất hiện làn sóng bỏ farmstay, nhiều người rao bán cắt lỗ trên trang mạng xã hội và website mua bán bất động sản.
Giới chuyên gia nhận định, nhiều ngộ nhận và quan niệm sai lầm về farmstay khiến không ít nhà đầu tư khi tham gia mô hình này vì không thể thu được lợi nhuận như kỳ vọng và tạo tâm lý e dè.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều người đầu tư farmstay nhưng lại không thực sự hiểu về mô hình này gây nhiều khó khăn trong lúc làm, vướng mắc thủ tục pháp lý như mua phải đất rừng, đất tranh chấp... đường xá giao thông tại nơi mở farmstay không thuận tiện, xa xôi hay nhân công ở khu vực đó đắt đỏ, không chuyên nghiệp... là những yếu tố khiến cho nhiều nhà đầu tư phải bỏ cuộc.
Để đầu tư farmstay sao cho hiệu quả, đạt được kỳ vọng về lợi nhuận, .guyễn Quốc Anh – CEO Công ty TNHH Đầu tư The Field Owner cho rằng cần phải hiểu đúng về Farmstay và lựa chọn phù hợp với nhu cầu đầu tư.
“Farmstay là khái niệm kết hợp từ hai thành tố gồm Farm là nông trại và Stay là nơi cư trú. Farmstay hiểu đúng chính là mô hình nghỉ dưỡng kết hợp giữa trải nghiệm cuộc sống nông thôn và lưu trú nghỉ ngơi. Một Farmstay có thể cung cấp các trải nghiệm từ trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch và sử dụng chính sản phẩm nông sản mà mình đã chăm sóc”, ông Quốc Anh cho hay.
Có bốn nhóm khách hàng chính đang kinh doanh mô hình farmstay gồm: nhóm gia đình ở thôn quê, những hộ có sẵn nông trại và muốn mở rộng thêm dịch vụ lưu trú, phát triển kinh doanh; nhóm thứ hai là người thành thị muốn lựa chọn ngôi nhà thứ hai ở nông thôn, phát triển thành nơi nghỉ dưỡng của gia đình kết hợp với kinh doanh khi không dùng đến; nhóm thứ ba là những nhà đầu tư xem đây như mô hình mới trong đầu tư bất động sản và nhóm cuối là những người muốn rời xa lối sống thành thị, về nông thôn phát triển farmstay như một mô hình khởi nghiệp mới. Xét trên bốn nhóm khách hàng này sẽ có những yếu tố khác nhau để phát triển mô hình farmstay.
Ông Quốc Anh chỉ ra rằng, quy hoạch tổng thể vùng và sử dụng đất là yếu tố rất quan trọng đối với việc làm farmstay. Khác với homestay, quỹ đất để phát triển một farmstay phải lớn, có như vậy mới phù hợp với mô hình nông trại. Sự trải nghiệm là yếu tố hàng đầu trong phát triển farmstay vậy nên nếu phát triển farmstay mà không mang lại trải nghiệm đa dạng thì rất khó thành công. Khi lựa chọn một farmstay, nhà đầu tư cần xem xét yếu tố quy hoạch vùng có phù hợp để phát triển mô hình này hay không.
Theo chuyên gia, farmstay có những đặc trưng rất riêng trong phát triển nên nếu quy hoạch không phù hợp sẽ rất khó phát triển thành công.
Ông Nguyễn Trung Hiếu – CEO & Founder Bảo Lộc Golden Farm cho rằng cần khảo sát yếu tố hạ tầng giao thông trước khi chọn khu vực phù hợp làm farmstay. Không lựa chọn những khu vực quá xa trung tâm hay giao thông di chuyển khó khăn và quá tách biệt.
Farmstay là mô hình vừa nghỉ dưỡng lưu trú vừa khai thác dịch vụ. Nếu kết nối tiện ích với khu vực quá khó khăn thì rất khó để hút khách lưu trú, trải nghiệm, di chuyển quá xa trong điều kiện hạ tầng bất lợi sẽ làm giảm sự cạnh tranh của nhà đầu tư.
Khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng là những yếu tố quan trọng để xây dựng mô hình nông trại thành công. Một farmstay phải đảm bảo tính chất canh tác nông nghiệp hiệu quả. Vì vậy nếu khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với sự phát triển của canh tác nông nghiệp thì rất khó xây dựng mô hình farmstay thành công.
Một điểm nữa, theo ông Hiếu các nhà đầu tư cần quan tâm là tính khác biệt của mô hình phát triển là yếu tố giúp farmstay cạnh tranh với các mô hình tương tự.
Để thu hút khách lưu trú trong thời điểm mà mô hình farmstay đang nở rộ như hiện nay, nhà đầu tư phải biết tìm ra nét riêng, độc đáo trong xây dựng nông trại, trải nghiệm cũng như dịch vụ hậu cần mới có thể thu hút du khách đến trải nghiệm, lưu trú.
Tạo ra cái riêng, nét cá tính riêng cho mô hình farmstay là lợi thế để chủ nhà nâng điểm và thu hút du lịch thành công. Nếu mô hình của bạn không có tính khác biệt, chỉ mang tính chung chung thì rất khó để lại ấn tượng cho khách du lịch.
Còn ông Quốc Anh nhấn mạnh, các nhà đầu tư cũng cần phải khảo sát văn hóa và nguồn nhân lực của khu vực - điều này thường hay bị các nhà đầu tư bỏ qua.
Farmstay cũng là một mô hình nghỉ dưỡng, việc khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng nên chất lượng phục vụ rất quan trọng. Nguồn nhân lực phục vụ cho các farmstay cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, thậm chí là nhiều kỹ năng hơn cả nhân lực cho một mô hình nghỉ dưỡng truyền thống. Vậy nên để phát triển loại hình này cũng cần phải tập trung đào tạo tính chuyên nghiệp và phong cách nghỉ dưỡng cho nhân sự và hơn hết cần xem xét tính vùng miền để đầu tư phù hợp.
https://cafef.vn/9x-ha-noi-bo-pho-ve-rung-dau-tu-farmstay-va-nhan-cai-ket-dang-chuyen-gia-chi-ra-nhung-sai-lam-khien-nha-dau-tu-chet-von-20220411085153167.chnTheo Phong Linh
Nhịp Sống Kinh tế