Các nghệ sĩ biểu diễn trong không gian nhỏ, là phòng triển lãm tranh của Phố Bên Đồi nằm trên tầng áp mái của một công sở tại Đà Lạt với lượng khán giả khoảng 100 người - Ảnh: M.VINH
Tiếng mái tôn rung khẽ khi bản nhạc đi đến cao trào, tiếng gió vẫn lùa qua những khe cửa trên cao nhưng không ai cảm thấy phiền lòng. Chính những điều không hoàn hảo làm mềm không gian, kéo gần những khoảng cách để nhạc cổ điển dễ chạm vào người nghe hơn.
Khởi nghiệp bằng âm nhạc
Nguyễn Đức Anh (31 tuổi, đang làm việc tại một trường âm nhạc tư nhân tại TP.HCM) và Phạm Phương Chi (23 tuổi, đang kinh doanh tại TP.HCM) bắt tay với nhau khi cả hai có cùng một góc nhìn rằng: "Những khán phòng lớn, chỉn chu và xây dựng tốn hàng núi tiền quá xa xôi với đại chúng tại Việt Nam.
Không phải ở đâu người dân cũng có điều kiện tiếp cận những khán phòng được xem như thánh đường của những nghệ sĩ nhạc cổ điển. Tại sao các ca sĩ có thể làm được những minishow và ca khúc nằm trên môi của từng người dân. Sao nhạc cổ điển lại lặng lẽ xa vời?".
Đức Anh và Chi sáng lập Arietta để kết nối nghệ sĩ nhạc cổ điển tại Việt Nam, cùng thực hiện hành trình "du ca". Và cả hai cùng hy vọng sự gần gũi kiểu "du ca" sẽ khiến người thưởng thức thấy âm nhạc cổ điển gần gũi hơn.
Đức Anh lấy bằng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành piano tại Đức. Từ thuở đi học, một hình ảnh thôi thúc anh triển khai ý tưởng của mình: "Những nghệ sĩ bậc thầy trong nhạc viện, hóa trang như những người lao động bình thường và chơi những bản nhạc kinh điển ở nơi công cộng".
Chia sẻ sau chương trình "Voices of Instruments - Tiếng nói của nhạc cụ" tại không gian Phố Bên Đồi (Đà Lạt) ngày 10-4, Đức Anh nói: "Du ca là một cách so sánh khi chúng tôi trình bày ý tưởng với các nghệ sĩ nhạc cổ điển để thuyết phục họ cùng chúng tôi tạo lập một con đường mới cho nhạc cổ điển tại Việt Nam.
Nghệ sĩ nhạc cổ điển không chỉ hòa nhạc trong thính phòng đồ sộ với dàn hợp xướng quy mô, cách xa công chúng, chỉ ở vài nơi chờ người nghe đến mà còn bước ra những không gian sống động hơn, tìm đến với công chúng trong những không gian biểu diễn nhỏ, đôi khi chỉ vài người đến khoảng 150 người.
Điều chúng tôi đang làm mới ở Việt Nam nhưng đã thịnh hành ở châu Âu từ thế kỷ 19, đây là hình thức "hòa nhạc salon".
Dừng tay cân chỉnh piano, Đức Anh nói thêm: "Hình ảnh của người nghệ sĩ nhạc cổ điển trong những minishow rất quan trọng. Du ca là gần gũi, nhưng không được xuề xòa. Người nghe cũng không được quá tự nhiên mà quên mất những nguyên tắc khi nghe hòa nhạc".
Chú ý đến nguyên tắc này nên trong tất cả chương trình tại TP.HCM và Đà Lạt, phần ăn uống, giao lưu, nghe hòa nhạc được tách ra rất rõ rệt. Dù buổi hòa nhạc ở tầng thượng một khu nhà, khi tiếng nhạc cụ vang lên là lúc không còn một âm thanh lạ, kể cả tiếng khẽ chạm ly.
Phương Chi học 2 chuyên ngành: quản trị kinh doanh và chỉ huy hợp xướng (Học viện Âm nhạc quốc gia). Những tưởng 2 ngành học không liên quan nhưng tương hỗ trên hành trình thực hiện những chuyến "du ca" với nhạc cổ điển.
Chi nói: "Mình làm nhiệm vụ tổ chức biểu diễn nên phải biết về kinh doanh lẫn âm nhạc. Đức Anh lo phần quan trọng nhất, thiết kế những chương trình âm nhạc phù hợp với từng yêu cầu cá biệt".
Nguyễn Đức Anh và Phạm Phương Chi cùng sáng lập Arietta, chuyên tổ chức các chương trình “hòa nhạc salon” - Ảnh: M.VINH
Nghệ sĩ và những trải nghiệm bất ngờ
Sau hơn một năm hoạt động, 10 chương trình mang chất "du ca" của Arietta đã diễn ra và lẽ ra đã trên 35 buổi hòa nhạc nếu không có đại dịch. Đến nay, Arietta đã kết nối được 6 nghệ sĩ nhạc cổ điển tại TP.HCM được đào tạo bài bản ở Học viện Âm nhạc Việt Nam và một số nhạc viện danh tiếng trên thế giới.
Nghệ sĩ Đại Nghĩa từng bất ngờ và hơi lo lắng khi tới Đà Lạt, vì đây là lần đầu tiên anh biểu diễn dưới một mái "tôn". "Tôi sẵn sàng để thử thách một lần, liệu tiếng kèn có xóa đi tiếng mưa dội lên mái tôn. Mình đã không nghĩ nhưng đó là thực tế, mình rất thăng hoa ở một không gian nhỏ như tầng áp mái của Phố Bên Đồi".
Nghệ sĩ piano Huy Hoàng "du ca" ngay khi dự án của Đức Anh và Phương Chi bắt đầu. Điều anh lo lắng nhất là người nghe có những yêu cầu... không đúng đam mê. "May quá, chúng tôi lo lắng thế nhưng thực tế chưa rơi vào tình huống đó", Huy Hoàng nói.
Tại TP.HCM, Huy Hoàng đã tham gia những minishow tổ chức tại gia đình. Anh bất ngờ khi người nghe ứng xử tinh tế và thận trọng như khi họ nghe hòa nhạc trong nhà hát.
Nghệ sĩ violin Lê Minh Hiền không phủ nhận "du ca" là rong chơi, còn những thính phòng chuyên nghiệp, quy mô và sang trọng vẫn là ao ước của người chơi nhạc cổ điển. Ở đó, âm nhạc hoàn mỹ nhất.
"Không người nghệ sĩ nào không được thôi thúc bởi động lực để tỏa sáng ở thánh đường của mình nhưng nếu để nghệ thuật bị gói trong không gian cụ thể có nghĩa sức sống của nó đã bị suy yếu", nghệ sĩ Minh Hiền chia sẻ.
Hành trình mở thêm con đường mới cho nhạc cổ điển của hai bạn trẻ đã có những hồi đáp hân hoan từ người nghe. Chị Nguyễn Nghĩa (người dân Đà Lạt) chia sẻ: "Nhiều lần tôi muốn nghe hòa nhạc tại TP.HCM nhưng gặp nhiều trở ngại về khoảng cách lẫn những bất tiện khác.
Chuyến "du ca"của Arietta thôi thúc tôi tìm hiểu về nhạc cổ điển và có lẽ nhạc thính phòng chuyên nghiệp vào dịp gần nhất".
Đưa hòa nhạc salon đến Đà Lạt
Phố Bên Đồi là đơn vị đầu tiên đưa hình thức hòa nhạc salon đến Đà Lạt. Ông Nguyễn Trung Hiền (người sáng lập Phố Bên Đồi) chia sẻ: "Chúng tôi vô tình gặp Nguyễn Đức Anh và Phạm Phương Chi.
Nghĩ về một chương trình nhạc cổ điển tại một nơi triển lãm tranh và nghệ thuật sắp đặt đã khiến tôi thấy thú vị nhưng tôi lo về những rào cản kỹ thuật.
Đức Anh động viên nhóm tổ chức rằng hoàn mỹ chỉ có tính tương đối, những nghệ sĩ trẻ giàu cảm xúc sẽ giúp thính giả quên đi những bất tiện về không gian và chỉ còn hướng về âm nhạc.
Thế là chúng tôi có lần đầu tại Đà Lạt. Tôi nghĩ, ở những thành phố nhỏ khác đừng đặt nhạc cổ điển bên ngoài kế hoạch của những chương trình nghệ thuật của địa phương".
Tiếng nói của nhạc cụ số 2
Nối tiếp đêm nhạc tại Đà Lạt, chương trình hòa nhạc "Tiếng nói của nhạc cụ số 2" sẽ đến với khán giả TP.HCM vào tối 16-4 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory Contemporary Arts Centre, quận 2.
Ba nghệ sĩ Lê Minh Hiền (violin), Trần Đại Nghĩa (horn) và Vương Huy Hoàng (piano) sẽ tiếp tục mang đến những tác phẩm kinh điển của 2 nhà soạn nhạc người Đức thuộc trường phái lãng mạn là Oscar Franz và Johannes Brahms, qua đó giới thiệu về tam tấu kèn Cor (Horn Trio), một biến thể đặc biệt từ thể loại tam tấu truyền thống (violin, cello và piano).
Huỳnh Vy
TTO - Hơn 15 năm qua, giảng viên, nghệ sĩ piano Nguyễn Thúy Uyển cặm cụi cùng bạn bè, đồng nghiệp duy trì đều đặn các chương trình "Hòa nhạc cho thính giả trẻ", vừa diễn thuyết về âm nhạc cổ điển, vừa minh họa trực tiếp trên sân khấu ở TP.HCM.
Xem thêm: mth.88093559111402202-neid-oc-cahn-ac-ud/nv.ertiout