Ngôi biệt thự cổ số 26 Lê Lợi (TP Huế) sẽ được dời đến nơi khác, giữ nguyên hiện trạng thay vì đập bỏ - Ảnh: N.LINH
Trước đó, tại các cuộc họp HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều đại biểu đã lên tiếng phản đối và đề nghị tỉnh giữ lại ngôi biệt thự cổ này thay vì đập đi, nhường khu đất nói trên để làm nơi xây khách sạn.
Sau khi được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ mong muốn giữ lại ngôi biệt thự cổ ở số 26 Lê Lợi, "thần đèn" Nguyễn Văn Cư đã bay từ TP.HCM ra Huế để thực hiện khảo sát hiện trạng ngôi biệt thự này.
Qua khảo sát, ông Cư khẳng định có thể di dời ngôi biệt thự này sang khu đất đối diện ở số 1 Phạm Hồng Thái. Theo ông Cư, ông đã từng di dời những công trình có tuổi đời lâu hơn ngôi biệt thự này vài trăm năm tuổi.
Mới đây, UBND TP Huế cũng đã tổ chức cuộc họp lắng nghe ý tưởng về tìm địa điểm mới của ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi sau khi di dời.
Tại cuộc họp, KTS Hồ Viết Vinh (người thiết kế Không gian ký ức Lê Bá Đảng ở Huế) đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là di dời công trình qua khu đất số 1 Phạm Hồng Thái và giữ nguyên hướng mặt chính ngôi biệt thự nhìn ra sông Hương.
Phương án 2 cũng là dời ngôi biệt thự qua số 1 Phạm Hồng Thái nhưng quay hướng mặt chính công trình ra đường Lê Lợi (tức quay lưng về phía sông Hương).
Cả hai phương án trên đều có kết hợp với việc chỉnh trang tổng thể khuôn viên số 1 Phạm Hồng Thái và 23-25 Lê Lợi (nay là Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao TP Huế), tạo thành một dãy công trình kiến trúc Pháp dọc sông Hương nằm trên cùng một tuyến phố.
Một phương án khác được các đơn vị dự họp đưa ra, đó là xây dựng lại nguyên mẫu ngôi biệt thự này ở khu đất số 1 Phạm Hồng Thái. Trong quá trình đó sẽ tháo dỡ ngôi biệt thự cũ và tận dụng lại những vật liệu còn sử dụng được để xây mới lại công trình.
KTS Hồ Viết Vinh cho biết hiện nay đội ngũ chuyên môn vẫn đang tiến hành đánh giá lại công trình để lựa chọn một trong ba cách trên sao cho phù hợp.
Khi hay tin tỉnh Thừa Thiên Huế có ý định giữ lại ngôi biệt thự, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc (chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế) nói rằng ông cùng anh chị em nghệ sĩ Huế, các nhà nghiên cứu Huế rất vui mừng.
"Đây là một cách ứng xử rất đẹp, là một biểu hiện cụ thể trong việc chứng minh Huế là đô thị di sản", ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, dù ngôi biệt thự không nằm trong danh mục 27 kiến trúc Pháp tiêu biểu của Huế song nó vẫn là biệt thự nguyên vẹn còn sót lại, góp phần làm nên quỹ kiến trúc Pháp ở đất cố đô.
Ông Ngọc cũng nói rằng công trình này được mệnh danh là "ngôi nhà chung của nghệ sĩ Huế" khi chứng kiến biết bao thăng trầm trong cuộc đời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Chế Lan Viên, Thanh Hải, Trần Vàng Sao, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Bửu Chỉ, Tô Nhuận Vỹ...
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa, thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - nêu quan điểm: "Việc di dời có thể có rủi ro, làm hư hại kiến trúc của ngôi biệt thự cổ. Nên để nó nguyên trạng ở vị trí cũ, đồng thời trùng tu, gia cố công trình rồi sau đó dùng nó làm bảo tàng văn nghệ Huế thì tốt hơn".
Ông Hoàng Hải Minh - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: "Chúng tôi xem công trình này như một điểm đến ở Huế và sẽ cố gắng giữ được những gì còn lại thì gắng giữ".
TTO - Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến sẽ mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TP.HCM ra Huế để di dời ngôi biệt thự cổ có kiến trúc Pháp nằm bên sông Hương đi nơi khác.