Ngày 12-4, tại TP HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị Tự động hóa năm 2022 chủ đề "Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số". Tại đây, 6 sản phẩm đã được EVN công bố và trao giấy chứng nhận sản phẩm "Make by EVN".
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, trưởng ban Viễn thông & Công nghệ thông tin EVN, cho biết sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV, công tác tự động hóa đã cải thiện nhanh chóng, thực sự mang lại hiệu quả trong công tác vận hành, khai thác, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa trong EVN.
Cụ thể, ngành điện đã chủ động, tự chủ nghiên cứu và xây dựng các giải pháp tự động hóa các hệ thống điều khiển; làm chủ công tác tích hợp giải pháp; làm chủ và khai thác hệ thống SCADA/EMS; chuẩn hóa mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển; chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa và phát triển một số sản phẩm tự động hóa tiêu biểu.
"Năm 2021, Tập đoàn đã phát động chương trình phát triển các sản phẩm tự động hóa "Make by EVN". Các sản phẩm này do các đơn vị trong tập đoàn tự nghiên cứu và phát triển. Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, EVN có 10 sản phẩm "Make by EVN" và 3 "Make in Việt Nam" – ông Tuấn thông tin.
Theo phát động của Tập đoàn, các đơn vị đã đăng ký 28 sản phẩm "make by EVN" và đã lựa chọn được 6 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm sẽ đăng ký dự xét tuyển sản phẩm "Make in Việt Nam".
Tổng Công ty Điện lực TP HCM giới thiệu về sản phẩm "Make by EVN" của Tổng Công ty tại hội nghị
Tổng Công ty Điện lực miền Trung có 3 sản phẩm, gồm: Công tơ điện tử CPC EMEC; Trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện (EVN ev charger); Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI) và hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS). Tổng Công ty Điện lực TP HCM có một sản phẩm là Chương trình Quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS). Hai sản phẩm còn lại thuộc về Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin với sản phẩm Phần mềm thu thập dữ liệu công tơ đo đếm (EVNHES) và Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội với sản phẩm Số hóa công tác điều độ lưới điện.
Tự hào có 1 sản phẩm được xét chọn là sản phẩm "Make by EVN", ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết EVNHCMC xác định tự động hóa là một cấu phần quan trọng trong việc triển khai đề án xây dựng Lưới điện thông minh. Qua việc ứng dụng chương trình Quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến (OMS), việc cung cấp điện, phát hiện mất điện, sửa chữa điện, quản lý cung cấp điện sẽ được thực hiện trực quan sinh động trên sơ đồ đơn tuyến. Ngoài ra, kết hợp với hệ thống tự động hóa, thiết bị được giám sát điều khiển, công tơ đo đếm thông minh để truyền dữ liệu về chương trình này và qua đó ngành điện có thể giám sát được tỉnh hình cung cấp điện trên toàn địa bàn TP 24/7.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết nhằm góp phần hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, EVN đã đẩy mạnh chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng mới nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của EVN. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề tự động hóa của toàn ngành… qua đó hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số năm 2025.
Hiện nay EVN đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực, nhờ đó giảm thiểu tác động xấu từ dịch Covid-19 đến các hoạt động của tập đoàn. "Ứng dụng triệt để và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm tự động hóa hầu hết các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tập đoàn cơ bản hoàn thành lộ trình chuyển đổi số đã đặt ra. Tự động hóa quy trình sản xuất sẽ thúc đẩy và mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn, ổn định để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng" – ông Thành bày tỏ.
Xem thêm: mth.70230532121402202-nve-yb-ekam-aoh-gnod-ut-mahp-nas-6-ob-gnoc-neid-hnagn/et-hnik/nv.moc.dln