Con giết mẹ do xin vòng cổ không được
Thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra nhiều vụ án mạng rúng động liên quan đến người bị rối loạn tâm thần hoặc biểu hiện loạn thần (ảo giác, hoang tưởng). Thời điểm xảy ra án, các đối tượng bị rối loạn về tâm lý, không đủ khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của bản thân. Điều đáng nói, những thảm án đó nạn nhân chủ yếu là người thân của đối tượng.
Đơn cử, mới đây là vụ án chấn động của vùng quê xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mà hung thủ là người con ruột bị bệnh tâm thần của nạn nhân.
Vào 11h ngày 26/3, người dân địa phương kinh hoàng phát hiện cụ bà Lê Thị H. (SN 1957), trú tại thôn 4 xã Sơn Long, huyện Hương Sơn tử vong trong căn nhà khóa chặt cửa, trên người có nhiều vết chém. Cách đó không xa là Phạm Thị Hiền (SN 1979, con gái bà H.) nằm cách thi thể vài mét, miệng lẩm bẩm điều gì đó không rõ.
Xác định nghi phạm là Hiền nên cơ quan chức năng đã lập tức đưa về trụ sở để điều tra, làm rõ. Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Hiền khai nhận, do xin mẹ chiếc vòng đang đeo trên cổ nhưng không được nên đã ra tay sát hại.
Ông Phạm Bình Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, nguyên nhân vô cùng đơn giản nhưng vụ án lại quá kinh hoàng, cho đến thời điểm hiện nay người dân vẫn không thể tin được bi kịch lại xảy ra như vậy.
“Trước đây chị Hiền bình thường, sống hiền lành với mọi người, từ khi cháu thứ 2 qua đời do đuối nước thì chị mới bị phát bệnh. Bình thường chị khá tỉnh táo, chỉ một số lúc điên điên khùng khùng nên gia đình cũng chủ quan, không ai nghĩ vụ việc lại thương tâm như vậy”, ông Luận nói.
Cũng tại huyện Hương Sơn đã xảy ra một vụ án chấn động khác liên quan đến người có biểu hiện không bình thường. Vào lúc 17h ngày 25/10/2021, em Hà Thị D. (SN 2008, học lớp 8 trường THCS Nguyễn Khắc Viện) đi học về thì phát hiện em trai là Hà Trọng Đ. (học sinh lớp 3, trường tiểu học Sơn Ninh) nằm gục trước thềm nhà, nên gọi người đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Nhận được thông tin, cơ quan công an lập tức có mặt để điều tra vụ án. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định cháu Hà Trọng Đ. tử vong do đa chấn thương, vỡ hộp sọ, trên người có nhiều thương tích. Hung thủ nhanh chóng được làm rõ, đó là Hà Trọng Quyết (SN 1993, trú cùng thôn).
Tại cơ quan công an, Quyết khai chỉ vì xích mích với bố của nạn nhân về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, đối tượng đã sinh lòng thù hằn, nảy sinh ra ý nghĩ và hành động dùng dao chém chết con trai của người này để trả thù. Điều đáng nói, Hà Trọng Quyết là người có biểu hiện tâm thần rối loạn, đã từng có thời gian chữa trị về các chứng bệnh tâm thần tại bệnh viện, rất nhiều lần đe dọa và gây gổ với hàng xóm láng giềng.
Trách nhiệm quản lý, phòng ngừa người tâm thần phạm tội thuộc về ai?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh cho biết, không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh án tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo đó, nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên họ sẽ được chữa bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát trước khi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Kết quả rà soát bước đầu, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng hơn 500 người bị tâm thần; trong đó có khoảng gần 30 trường hợp bị bệnh tâm thần do rối loạn sử dụng ma tuý đá, có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, đây là mầm móng dễ phát sinh tội phạm, có nguy cơ gây án cao.
Tuy nhiên theo nhận định của các lực lượng chức năng phòng ngừa tình trạng người tâm thần gây án là một vấn đề khá khó khăn bởi lẽ họ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào.
Chính vì vậy, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất xảy ra các vụ án, vụ việc nhất là các vụ trọng án do đối tượng bị bệnh tâm thần gây ra, thì trách nhiệm đó không thuộc về riêng một cá nhân hay tổ chức nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, người dân cũng cần phải chủ động phòng ngừa.
Thực tế cho thấy, những vụ án mạng từ người có bệnh tâm thần và “ngáo đá” xảy ra một phần là do người thân trong gia đình đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi đối tượng mất kiểm soát. Gia đình cứ nghĩ rằng khi người bệnh được xuất viện là đã ổn, không nghĩ tới hậu quả khi bệnh tái phát.
Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng phòng Lao động TB&XH huyện Hương Sơn cho hay, trước đây theo Quyết định 90/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, những đối tượng gây nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội thì gia đình và địa phương làm hồ sơ, thông qua huyện gửi vào Trung tâm điều trị tập trung ít nhất là 3 tháng, giờ quyết định đó hết hiệu lực rồi.
Tuy nhiên, hiện nay những đối tượng bảo trợ xã hội phải thực hiện theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ, theo đó trường hợp đủ điều kiện thì được đưa đi điều trị, còn không thì gia đình phải tự nguyện mỗi tháng đóng nộp từ 3,5 - 4 triệu đồng.
Chính vì vậy, gia đình, cộng đồng cần luôn cảnh giác, giám sát chặt chẽ mọi biểu hiện của người có tiền sử tâm thần. Nếu thấy dấu hiệu bệnh không thuyên giảm hoặc có những hoạt động mất kiểm soát, đe dọa an ninh trật tự cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện tâm thần điều trị, tuyệt đối không chữa trị theo phương pháp cúng bái.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng trong xã hội cũng cần phối hợp với gia đình người bệnh siết chặt quản lý, có giải pháp cách ly đối tượng bị tâm thần một cách hợp lý, không để họ tiếp xúc với các vật dụng, các loại công cụ, vũ khí nguy hiểm, hạn chế thấp nhất điều kiện, khả năng gây án để tránh những hậu quả đau lòng vô cớ có thể xảy ra.