Số liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng 8,3%, vượt mọi dự báo.
Thượng Hải - trung tâm tài chính với 25 triệu dân, bước sang tuần thứ 4 của việc phong tỏa. Hiện khoảng 23 thành phố với hơn 190 triệu dân của Trung Quốc cũng đã bị phong tỏa một phần hoặc toàn phần. Những thành phố này đóng góp khoảng 22% GDP của nền kinh tế Trung Quốc.
Chính quyền Thượng Hải ngày 9/4 thừa nhận còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc cung cấp thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân thời gian qua. Do đó, giá cả sinh hoạt cũng tăng nhanh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo CPI tháng 4 có thể đạt 2%, trong bối cảnh người dân tiếp tục tích trữ lương thực và hàng hóa thiết yếu.
Các tổ chức thế giới đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Các cảng container tại Thượng Hải - cửa ngõ quan trọng khi xử lý khoảng 17% tổng lượng hàng hóa của Trung Quốc, mặc dù vẫn hoạt động bình thường, nhưng theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, ước tính khối lượng vận chuyển hàng hóa tại cảng Thượng Hải đã giảm khoảng 40% so với tuần trước do tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải.
"Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với các công ty nước ngoài là thiếu tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa đến và đi từ cảng Thượng Hải. Thời gian trì hoãn thường kéo dài khoảng hai tuần, buộc họ phải đóng cửa một số dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, trước đợt phong tỏa này, nhiều doanh nghiệp cũng đã ngừng 1 phần sản xuất do giá cả hàng hóa tăng. Giờ mọi thứ sẽ bị đẩy đi xa hơn", bà Wang Dan, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Hang Seng, cho biết.
Giá cước hàng không cũng đang tăng cao. Giá cước vận tải hàng không từ Thượng Hải - một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, tới Bắc Âu và ngược lại đã tăng 43% so với mức trước đợt bùng dịch.
Các tổ chức thế giới đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 5%, thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Trong khi đó, ngân hàng Citi cho rằng, nếu làn sóng kéo dài, tăng trưởng GDP quý 2 có thể lao dốc 0,6 - 0,9 điểm phần trăm. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thận trọng hơn.
"Chúng tôi vẫn đang xem xét, khi có số liệu cuối cùng của quý 1. Tăng trưởng sẽ rất thấp trong quý đầu tiên, nhưng vẫn có đủ không gian chính sách để ứng phó. Về mặt tài khóa, cần tăng hơn nữa cho chi tiêu công. Về tiền tệ, có thể điều chỉnh nới lỏng các quy định về thị trường vốn cho bất động sản để hỗ trợ tăng trưởng", bà Yolanda Fernandez Lommen, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Trung Quốc, nhận định.
Hiện các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, sự giảm tốc của Trung Quốc nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo kinh tế thế giới giảm tốc bên cạnh những rủi ro như chiến sự tại Ukraine, FED tăng lãi suất và lạm phát tăng vọt.
VTV.vn - Chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.5695615121402202-gnat-aig-tahp-mal-yad-couq-gnurt-iat-iad-oek-aot-gnohp-hnel/et-hnik/nv.vtv