Trẻ mắc COVID-19 được gia đình đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) cho biết một tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) nhập viện. Đáng chú ý, trước đây bệnh viện tiếp nhận 2-3 ca/tuần, tối đa chỉ 5 ca/ngày, tuy nhiên hiện giờ con số đó có chiều hướng gia tăng.
Gần đây nhất là trường hợp bé trai 11 tuổi, dù nhiễm bệnh không có triệu chứng, nhưng theo chia sẻ từ gia đình, khoảng một tháng sau khi mắc COVID-19, bé bỗng dưng sốt cao 40 độ C, run lẩy bẩy, sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, nổi ban trên da... Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng MIS-C.
Một tuần trước đó, tại TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng TP cũng tiếp nhận bệnh nhi N.T.K.B. (7 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng tổn thương tim trầm trọng, người tím tái, mạch nhẹ, tim lờ đờ, men tim và men gan tăng cao và cần phải can thiệp ECMO.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ nhận định đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng.
Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng, hội chứng viêm đa hệ thống phần lớn ghi nhận ở trẻ em từ 6 - 12 tuổi sau khi khỏi COVID-19 từ 2 - 6 tuần.
Khi mắc bệnh, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; trẻ có thể bị tổn thương tim, đặc biệt là mạch vành. Đồng thời, có thể xảy ra hiện tượng rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính (đau bụng, ói, tiêu chảy...).
"Tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan như gan, thận... Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, tuy nhiên một số trường hợp nặng thường phải dùng phương án chỉ định lọc máu hỗ trợ", bác sĩ Quang chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết hội chứng viêm đa hệ thống phần lớn chỉ xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.
“Phụ huynh lưu ý khi thấy trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói, thay đổi ý thức, khó thở, mạch nhanh… hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác.
Bởi ngoài hội chứng viêm đa hệ thống, trẻ có thể mắc sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa”, bác sĩ Tiến nhắc nhở.
Theo các bác sĩ, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu cụ thể chính xác để biết rằng liệu một trẻ đang mắc COVID-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có những minh chứng chỉ ra nguy cơ mắc MIS-C ở trẻ chưa tiêm vắc xin cao hơn so với trẻ đã được tiêm.
Cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19. Tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 giúp trẻ giảm nguy cơ bị hội chứng này.
TTO - Các di chứng cấp tính hậu COVID-19 có thể gặp ở trẻ em như chứng giảm tập trung, viêm đa cơ quan... đã được ghi nhận ở nhiều nơi.