Các doanh nghiệp và nhà đầu tư ký cam kết và ghi nhớ đầu tư - Ảnh: T.T.D
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có nhiều góp ý thiết thực để phát triển TP.HCM.
Một doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng tỉ USD
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Sovico - đề xuất hai huyện Hóc Môn, Củ Chi cần phát triển mạnh, trở thành một điểm đến về du lịch, văn hóa và ẩm thực. Hiện doanh nghiệp này đã ký biên bản ghi nhớ xây dựng khu đô thị mới và sân golf, khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái, khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái, bệnh viện quốc tế… với trị giá hàng tỉ USD.
Bà Thảo cam kết thực hiện khẩn trương, nghiêm túc để ngay trong năm nay khởi động một số dự án.
Nhà đầu tư phát biểu góp ý tại hội nghị - Ảnh: T.T.D
Ông Furusawa Yasuyuki - tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam - cho biết doanh nghiệp Nhật Bản này dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân tại hai địa phương trên. Từ đó, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Xúc tiến đầu tư không phải cơ hội để doanh nghiệp bất động sản đẩy giá đất
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá huyện Hóc Môn và Củ Chi là địa phương có nhiều lợi thế phát triển. Quy mô dân số của hai huyện tương đương với TP Đà Nẵng.
"Có thể nói Hóc Môn và Củ Chi được ví như con rồng đang ngủ bên cạnh với phần phát triển năng động còn lại của TP", Chủ tịch nước nói.
Tuy nhiên dù TP.HCM phát triển năng động, đóng góp 1/3 ngân sách cả nước nhưng hai huyện vẫn phát triển vẫn ở mức thấp. Ví dụ huyện Củ Chi thu ngân sách chỉ trên 1.000 tỉ, trong khi cũng quy mô dân số ấy, TP Đà Nẵng thu hàng chục ngàn tỉ mỗi năm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.T.D
Theo Chủ tịch nước, phát triển Hóc Môn và Củ Chi cũng là giúp TP giải bài toán mở rộng không gian phát triển cân bằng, thu hút nguồn lực, nhất là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Qua đó, giải tỏa những áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm; mở rộng không gian sinh tồn, phát triển khi "chiếc áo TP.HCM đã quá chật chội".
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hội nghị hôm này không phải làm một lần, kết thúc trong một ngày mà TP sẽ theo dõi việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư, của huyện Củ Chi và Hóc Môn. Chủ tịch nước cũng phải có trách nhiệm giải trình những kết quả đạt được trong việc xúc tiến đầu tư với cử tri hai huyện. Do đó, mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thật việc thật.
Phát triển phải đợi lợi ích người dân vào trung tâm
Chủ tịch nước cũng lưu ý các cam kết đầu tư, quá trình triển khai phải dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu quy hoạch lỗi thời thì xem xét ý kiến chuyên gia để điều minh bạch, theo quy định pháp luật.
"Nguyên tắc xuyên suốt của phát triển Củ Chi, Hóc Môn phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững. Xúc tiến đầu tư Củ Chi, Hóc Môn không phải là mâm cổ mới để các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông Phúc đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, ghi nhớ đầu tư, sớm triển khai nhanh kế hoạch giải ngân vốn, nói không nói tiêu cực, tham nhũng. "Không ký rồi để đó, TP và đại biểu Quốc hội sẽ giám sát và nêu ra trước Quốc hội những đơn vị nào ký mà không thực hiện", ông Phúc nói.
Đồng thời, Chủ tịch nước yêu cầu đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi cần đề cao việc bảo vệ môi trường, bảo tồn phát huy truyền thống cách mạng.
Tại hội nghị, TP.HCM trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với hơn 430 triệu USD và 31 bản ghi nhớ đầu tư với 16,2 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã vận động các doanh nghiệp và nhà đầu tư ủng hộ 1.000 căn nhà cho gia đình chính sách và người nghèo tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Xắn tay gỡ nút thắt
Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ra những nút thắt kiềm chế sự phát triển của hai huyện là hệ thống giao thông, vì vậy ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (có mặt tại hội nghị) quan tâm phát triển hệ thống giao thông, đường bộ, đường cao tốc, đường thủy, đường sắt đô thị trên địa bàn.
"Cần nhanh chóng xoắn tay tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách để huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 3, vành đai 4, các tuyến đường ven sông… Kết nối Củ Chi, Hóc môn với Trung tâm, với sân bay, cảng biển", ông Phúc nói.
Chủ tịch nước thông tin ngày mai, Bộ Chính trị sẽ có cơ chế phát triển vành đai 3 nhanh hơn thuận lợi hơn.
Hội nghị xúc tiến tạo khí thế mới phát triển TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: T.T.D
Phát biểu tại hội nghị, chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, các bộ ngành và nhiều ý kiến góp ý sâu sắc, thiết thực của các nhà đầu tư cho TP.
Ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ cập nhật vào quy hoạch chiến lược phát triển TP, trước hết là cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch tích hợp của thành phố phát triển khu Tây Bắc.
Như chỉ đạo của Chủ tịch nước, TP.HCM phải tập trung mở rộng không gian phát triển, trong đó quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông. Sau hội nghị, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở ngành, UBND huyện Củ Chi và Hóc Môn tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư để hoàn thiện các thủ tục, sớm triển khai các dự án.
TP cũng sẽ tập trung cải cách hành chính để tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, phát huy nguồn lực đầu tư xã hội cho thành phố.
"Hội nghị này không chỉ có ý nghĩ với hai huyện mà cả với TP.HCM. Từ hội nghị này sẽ tạo nên khí thế mới xây dựng và phát triển TP", ông Mãi nói.
TTO - Sáng 12-4, trong chuyến công tác tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho huyện Củ Chi, làm việc với Khu nông nghiệp công nghệ cao TP và thăm di tích lịch sử, gia đình chính sách.