Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi - cho biết sau thời gian lao đao do dịch COVID-19, công ty đang tiếp tục đối diện với hàng loạt khó khăn về giá cả nguyên vật liệu đầu vào, phí vận tải, phí cảng biển.
Theo ông, trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 10 container hàng sang Nhật Bản, Singapore và một số nước ASEAN khác. Trước đây, chi phí cho mỗi container xuất sang các nước gần khoảng 2.000 USD, nay tăng lên hơn 4.000 USD. Hiện nay, chi phí xuất mỗi container sang Mỹ, châu Âu là 15.000 USD, làm thu hẹp đáng kể lợi nhuận.
Sự đứt gãy nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu nhập khẩu được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn trong tương lai (trong ảnh: Công nhân đang di chuyển gỗ nguyên liệu tại Công ty Gỗ Mỹ Đức) |
Giá cước vận tải đường biển và đường hàng không hiện nay đều tăng cao. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - cho biết giá cước vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam đến Mỹ đã tăng gấp 10 lần, từ 1,8 USD/kg lên 18 USD/kg. Nhiều DN xuất nhập khẩu rơi vào tình trạng “càng xuất nhiều, càng lỗ”.
Bà Huỳnh Phương Trinh - Phó Tổng giám đốc Công ty Sản xuất bột Quốc tế - cho biết giá nguyên liệu nhập về tăng từ 20 - 50%. Mới đây, đối tác Thái Lan, Nhật Bản, châu Âu tiếp tục thông báo sẽ tăng giá thêm 200 USD/tấn đối với lô hàng sắp tới. Xung đột Nga - Ukraine đang khiến giá nguyên liệu tăng, nguồn nguyên liệu khan hiếm, thời gian vận chuyển lâu.
Ông Lê Mai Hữu Lâm than, công ty ông đang hoàn thành lô hàng cho thương hiệu Toshiba, chuẩn bị xuất đi Bangladesh, nhưng không đặt được tàu biển. Cũng may là đối tác Nhật Bản hiểu và thông cảm, hỗ trợ phần cước, nếu không, DN phải chịu cước, lỗ vốn nặng bởi cước phí tàu biển cao gấp nhiều lần giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc VNF - cho biết phí vận chuyển hàng thời trang đi châu Âu, Mỹ tăng gấp hơn 10 lần so với trước khi có dịch COVID-19; thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài gấp 1,5-2 lần. Trước đây, hàng được vận chuyển bằng đường biển sang Mỹ mất 30-35 ngày, nay tăng lên 45- 60 ngày. Công ty buộc phải xây dựng lại toàn bộ kế hoạch sản xuất cho phù hợp với thực tế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù vào khoảng thời gian vận chuyển.
Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan - việc chi phí xuất nhập khẩu tăng cao còn do các cơ quan nhà nước chồng chéo trong quản lý, ban hành văn bản chưa sát thực tế. Nhiều DN chưa am hiểu, chưa thay đổi phương thức ký kết hợp đồng, không tận dụng hết lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn góp ý thêm, ngành hải quan cần tiếp tục áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi dữ liệu giữa các DN, hải quan và các cơ quan liên quan trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm hải quan miễn phí.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.6811641a-tov-gnat-uahk-pahn-taux-ihp-ihc/nv.moc.enilnounuhp.www