Dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều điểm đến du lịch trong nước kín khách; sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài nhộn nhịp. Các công ty du lịch cũng tấp nập đón khách. Cùng với nhu cầu đi du lịch qua tour trọn gói tại các công ty du lịch, lượng khách đi du lịch tự túc tới những điểm đến phổ biến như Tp.Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… cũng tăng mạnh.
Du lịch bùng nổ
Ước tính Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ đón gần 1 triệu lượt khách trong 10 ngày qua, riêng ngày 10/4 (tức ngày 10/3 âm lịch) đón hơn 200.000 lượt; các khách sạn, nhà nghỉ công suất trên địa bàn đạt khoảng 50 - 60%, ước tính gần 10.000 lượt khách đã lưu trú tại thành phố Việt Trì.
Tại Hà Nội, trong ba ngày nghỉ lễ, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn lượng khách đến tham quan, vui chơi tăng mạnh, thậm chí một số nơi còn xảy ra hiện tượng tắc nghẽn như khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, Công viên Thủ lệ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Khu du lịch Tuần Châu Quốc Oai, Vườn quốc gia Ba Vì, Làng gốm Bát Tràng, Vườn hoa Bãi đá Sông Hồng... Khách tham quan đến đây không chỉ là người dân Hà Nội mà có rất đông người đến từ các tỉnh khác.
Theo thông tin từ báo Công thương, tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, trong ngày 10/4, lượng khách đến vui chơi giải trí đạt hơn 1 vạn người, tăng gấp đôi so với hôm qua; lượng khách tới Vườn quốc gia Ba Vì đạt khoảng 5.000 khách, tăng hơn 2 lần so với ngày 9/4. Do lượng khách tăng cao, nhiều điểm đến phải huy động huy động 100% nhân lực làm việc; triển khai nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch.
Ninh Bình là một trong số các điểm đến miền Bắc được yêu thích của du khách nhằm trải nghiệm những địa danh đẹp sau khoảng hai năm phải tạm ngưng sở thích vi vu của mình, vì vậy, cùng với khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022 nên tỉnh Ninh Bình đã đón lượng du khách đổ về rất đông.
Với tỉnh Quảng Ninh, sau 2 ngày nghỉ lễ, lượng khách đến Vịnh Hạ Long lên đến khoảng hơn 100.000 khách, tăng kỷ lục từ đầu năm đến nay. Hiện, tỷ lệ lấp đầy các tàu tham quan Vịnh Hạ Long trong các ngày lễ đã đạt khoảng 80-90%. Nhiều đơn vị tàu nghỉ đêm, lượng khách đạt 100%; các khách sạn, cơ sở lưu trú tại thành phố Hạ Long, đặc biệt là khu du lịch Bãi Cháy đã ghi nhận công suất 100%.
Còn với khu vực miền Trung, trung tâm du lịch TP. Đà Nẵng, trong 3 ngày dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương thu hút một lượng lớn du khách đổ về các bãi tắm thành phố như Mỹ Khê, Mỹ An… Các bãi biển trong khung giờ từ 16 – 18h những ngày này đông kín du khách. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ước tính tổng lượng khách tham quan, du lịch thành phố Đà Nẵng ước đạt 77.870 lượt khách, trong đó lượng khách theo các đường bay quốc tế và nội địa đến Đà Nẵng ước đạt 38.979 khách với 262 chuyến bay; công suất phòng khối 4-5 sao đạt khoảng 50-60%, trong đó khách sạn ven biển khoảng 70-90%.
Riêng Thừa Thiên Huế, từ 8/4 đến 10/4 địa phương này đón gần 20.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, lượt khách du lịch biển cũng tăng đáng kể, mỗi ngày xấp xỉ 1.000 khách ở các bãi biển Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang; các bãi biển ở Phường Thuận An- Tp.Huế là trên trên 2.000 người/ngày. Số lượng lưu trú đặt phòng tăng, công suất sử dụng hơn 80%, một số khách sạn đạt hơn 90%.
Các tỉnh thành phố phía Nam, bầu không khí du lịch cũng đặc biệt sôi động không kém. Như tại Tp.Hồ Chí Minh, hàng loạt các điểm vui chơi, mua sắm như Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Cần Giờ… đông nghẹt khi hàng vạn lượt khách đổ về tham quan. Đáng chú ý thành phố đã cũng đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại sau hơn 2 năm dịch bệnh kéo dài. Riêng Công viên văn hóa Đầm Sen, ngày 10/4 đã đón hơn 4.000 lượt khách, dự kiến cả ngày đón khoảng 8.000 lượt, tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường…
Sân bay “kín khách”
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, công ty dự kiến phục vụ hơn 8.000 lượt khách. Đây được xem là tín hiệu tích cực và hứa hẹn bùng nổ trong các dịp lễ sắp tới và hè năm nay. Với 3 ngày nghỉ lễ, phần lớn du khách lựa chọn tour trọn gói với tốp 5 các điểm du lịch được chọn nhiều nhất là Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hà Giang.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST tourist, cho biết lượng khách đặt tour tại doanh nghiệp (DN) vào dịp lễ 30-4 và 1-5 đến nay đã đạt 50% kế hoạch. Số lượng tour mở bán không nhiều nhưng mang tính chọn lọc cao, đủ các tuyến cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và biển đảo; chủ yếu là các nhóm khách gia đình có kế hoạch từ trước. Đại diện các DN lữ hành cũng dự báo tình huống khách đi tự túc dịp lễ sẽ tăng cao ở những điểm du lịch nghỉ dưỡng gần như: Phú Quốc, Đà Lạt, Phan Thiết, Hồ Tràm, Vũng Tàu... Theo TST tourist, giá tour trong dịp lễ năm nay tăng khoảng 10% do giá dịch vụ đầu vào tăng; tuy nhiên, DN vẫn cố gắng cân đối ở mức hợp lý để thu hút du khách.
Tại sân bay Nội Bài, sản lượng vận chuyển nội địa dự kiến tăng mạnh, với khoảng 400 lượt chuyến bay và hơn 75.000 lượt khách (tính riêng quốc nội) trong đợt cao điểm lễ 30-4, 1-5. Sản lượng bay quốc tế tuy đang ở mức thấp với trung bình khoảng hơn 100 lượt chuyến bay và 3.600 lượt khách quốc tế mỗi ngày song đã có những dấu hiệu tăng trưởng kể từ khi Việt Nam mở cửa lại bầu trời, đón khách du lịch quốc tế.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đón khoảng 70.000-75.000 khách/ngày, thậm chí một số ngày lượng khách có thể cao hơn. Sân bay Đà Nẵng dự kiến đón 168-180 chuyến/ngày (quốc nội) và 16-20 chuyến/ngày (quốc tế). Sân bay Cam Ranh dự kiến sẽ có 63-65 chuyến/ngày. Sân bay Phú Quốc dự kiến sẽ có từ 180-190 chuyến/ngày tương đương 26.960 hành khách đi, đến/ngày, tăng từ 58%-68% so với ngày thường.
Chuẩn bị kỹ càng, khách quốc tế sẽ đến
Trao đổi với báo Lao Động, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, du lịch là lĩnh vực kinh tế quan trọng, đồng thời là ngành giúp sự phục hồi kinh tế của địa phương trở lại sau đại dịch nhanh nhất.
Rất đồng tình với quan điểm của ông Trần Phước Sơn, du lịch đi liền với dịch vụ làm tăng tiêu dùng rất lớn. Nhà hàng, khách sạn, xe tàu, máy bay đều tăng doanh thu nhờ du lịch. Trong khi chưa có được nhiều khách quốc tế thì dốc toàn lực cho du lịch nội địa, người đi chơi càng nhiều thì đồng tiền được tiêu xài nhiều, xét cho cùng là dân mình nuôi nhau.
Quan sát từ dịp nghỉ lễ này, cho thấy hè tới là cơ hội làm bùng nổ du lịch để phục hồi kinh tế. Ngành du lịch, các địa phương, các công ty du lịch, các hãng vận tải, hàng không phải chuẩn bị thật tốt để đem lại hiệu quả cao nhất trong khai thác du lịch mùa hè, lấy đà bứt phá đến cuối năm 2022.
Hạ tầng giao thông phải thuận lợi, các dự án, công trình, cầu cống, cao tốc đưa vào khai thác kịp trong dịp hè là hỗ trợ tích cực cho du lịch. Các phương tiện vận tải đường sông, đường biển hiện đại tham gia thị trường cũng là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng du lịch.
Ví dụ như tàu du lịch biển đưa khách từ Đà Nẵng ra thẳng đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, sử dụng động cơ thân thiện với môi trường.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải đưa vào khai thác trở lại trong dịp này. Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan có chiều dài 77km, đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng được đưa vào khai thác trong tháng 4,...
Hè tới, lượng du khách đi máy bay sẽ tăng, các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện hạ tầng để các hãng hàng không tăng chuyến, hạn chế trễ giờ, an toàn.
Các địa phương cạnh tranh du lịch không chỉ là sản phẩm, hạ tầng giao thông, mà cần chú ý văn minh, văn hóa du lịch. Đường phố, điểm du lịch sạnh sẽ, an toàn, người dân địa phương không buôn bán chặt chém, cư xử lịch sự, thân thiện với du khách, việc này phải có bàn tay kiểm soát của chính quyền.
Du lịch nội địa "bùng nổ", thì du khách quốc tế sẽ biết đến, tìm tới.
Chống tắc nghẽn sân bay
Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không gia tăng, ngay từ cuối tháng 3, các sân bay đã triển khai phương án ứng phó. Cụ thể, yêu cầu các DN cung ứng dịch vụ vận tải mặt đất (xe buýt, xe điện, taxi, xe hợp đồng) phải bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách trong giai đoạn cao điểm, đặc biệt đối với các chuyến bay đêm muộn, sáng sớm. Ngoài ra, lực lượng an ninh hàng không phối hợp tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất các khu vực lân cận sân bay nhằm sớm phát hiện, xử lý các vi phạm về an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài rà soát, tính toán năng lực của nhà ga hành khách để điều chỉnh phương án khai thác hiệu quả, thực hiện mở tối đa 22/22 máy soi trước mỗi khung giờ cao điểm 1 giờ để bảo đảm lưu thông nhanh nhất và chủ động kiểm soát lượng khách ngay từ các vị trí kiểm soát giấy tờ tùy thân. Triển khai mở tất cả cửa soát vé làn ra trong các khung giờ, tăng cường lực lượng an ninh điều tiết phương tiện từ xa...
Trước mỗi đợt cao điểm, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài yêu cầu các DN nhượng quyền khai thác dịch vụ vận tải mặt đất ký cam kết tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật và của sân bay, bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách. "Mọi vi phạm các quy định đều bị xử lý nghiêm theo mức độ lỗi, từ trừ quỹ điểm đến thu thẻ vĩnh viễn của tài xế, phương tiện..., thậm chí chấm dứt hợp đồng nhượng quyền với DN" - đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc khi đông khách, đơn vị đã yêu cầu các hãng hàng không cung cấp lịch bay chính xác trong các dịp cao điểm, sản lượng hành khách dự kiến để chuẩn bị lực lượng phục vụ phù hợp cho từng ngày. Đồng thời, yêu cầu các hãng taxi cam kết cung cấp đầy đủ số lượng taxi trong các dịp cao điểm để phục vụ hành khách. Dự kiến trong giai đoạn cao điểm 30-4, 1-5, cần khoảng 6.300 lượt taxi đón khách/ngày tại sân bay.
Hương Anh (tổng hợp)