Không hẹn mà gặp, cả Chủ tịch Nguyễn Đức Tài của Thế Giới Di Động (MWG) và Đoàn Hồng Việt của Digiworld (DGW) đều cùng đặt ra mục tiêu tăng trưởng kép hằng năm cho doanh nghiệp của mình là phải từ 25% trở lên. Với quy mô ngày càng lớn của Thế Giới Di Động và Digiworld, mục tiêu này càng ngày càng khó thực hiện. Giải pháp chung mà cả 2 Chủ tịch này lựa chọn trong vài năm gần đây: đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh.
Trong khi nhà bán lẻ Thế Giới Di Động bước chân vào mảng mẹ và bé, thể thao, thời trang, xe đạp, đồng hồ… thì mới đây, nhà bán sỉ Digiworld cho biết sẽ phân phối thêm FMCG, đồ gia dụng, dược – thiết bị y tế, thiết bị công nghiệp, F&B.
Tuy nhiên, cách thức thực hiện của mỗi bên mỗi khác nhau, trong khi Thế Giới Di Động đã cấp tập khai trương cùng lúc 5 chuỗi trong AVA World đầu 2021, thì Digiworld lại chậm rãi đi từng bước.
Năm 2019, Digiworld bắt đầu bắt tay vào phân phối FMCG. Năm 2021, quyết định lấn sân sang mảng thiết bị gia dụng và sẽ chính thức phân phối trong năm 2022. Cũng trong năm 2022, Digiworld sẽ tiến hành M&A nhằm đi nhanh hơn trong mảng thiết bị công nghiệp và F&B, đồng thời đặt những nền móng đầu tiên cho ngành dược – thiết bị y tế.
Với những ngành mới này, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt hy vọng biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được cải thiện hơn trong tương lai.
NẾU M&A, THÌ QUY MÔ CỦA ĐỐI TÁC PHẢI NHỎ HƠN DGW 20%
Trong ĐHĐCĐ 2022, Ban lãnh đạo của Digiworld đã tự nhận là mình làm chưa tốt trong mảng FMCG. Mặc dù đã triển khai mảng này được vài năm, song nó vẫn tăng trưởng chậm và không như kỳ vọng của Digiworld. Thường mảng mới sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong tất cả, nhưng ở Digiworld thì ngược lại.
Minh chứng: trong năm 2021, mảng FMCG mang về 376 tỷ đồng doanh thu, tăng 42% so với năm 2020 và chỉ hoàn thành 75% kế hoạch đề ra. FMCG là mảng tăng trưởng thấp nhất của Digiworld trong năm 2021. Đến quý 1/2021, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, mảng tiêu dùng chỉ mang về cho công ty 71 tỷ đồng – giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, không vì thế mà Ban lãnh đạo Digiworld lại dừng các dự án mở rộng ngành nghề kinh doanh đã đề ra. Ngoài FMCG, trong vài năm tới, DGW sẽ phân phối thêm các mảng như thiết bị gia dụng, dược – thiết bị y tế, thiết bị công nghiệp và F&B. Ban lãnh đạo Digiworld cho rằng: việc doanh thu của mảng FMCG lẫn dược đang khiêm tốn so với mặt bằng chung, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội.
Ở lĩnh vực thiết bị gia dụng – Home Appliances, Digiworld cho biết, họ đang phân phối sản phẩm cho 3 nhãn hàng là Xiaomi, Joyoung và Whirlpool.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Đoàn Hồng Việt, thì Whirlpool đã vào Việt Nam được khoảng 2 năm và có hợp tác với 1 doanh nghiệp phân phối nhỏ, nhưng chưa hiệu quả nên mới tìm đến với Digiworld. Cả hai đã ký kết hợp tác toàn diện vào cuối năm 2021 và sau nhiều tháng chuẩn bị, DWG sẽ chính thức bán các sản phẩm của đối tác đến từ Mỹ vào tuần thứ 3 hoặc thứ 4 ở tháng 4 này.
Xiaomi có giải sản phẩm gia dụng cũng hết sức phong phú, nhưng Digiworld không phân phối tất cả, mà chỉ bán những sản phẩm có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
"Thị trường gia dụng Việt Nam trị giá khoảng 2,5 tỷ USD và dù là người mới, chúng tôi vẫn muốn lấy 10% doanh thu của thị trường. Digiworld đã sẵn sàng chinh phục thị trường gia dụng giàu tiềm năng của Việt Nam", Chủ tịch Digiworld khẳng định.
Về lĩnh vực dược và thiết bị y tế: thời gian vừa qua, Digiworld đã thử phân phối các sản phẩm chống dịch Covid-19 như khay thử kháng nguyên, bộ áo quần bảo hộ… Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực đặc thù nên họ không thể vội vàng.
Hiện tại, Digiworld vẫn đang chờ các loại giấy phép, đồng thời kiện toàn các quy định và quy chuẩn chung theo luật định của nhà nước. Dù đang trong giai đoạn thăm dò, song Digiworld vẫn mạnh dạng đặt mục tiêu chiếm vị trí thứ 3 nhà cung cấp dược phẩm vào năm 2025.
Digiworld vừa mở rộng kho gấp 4 lần so với năm 2021 để sẵn sàng cho cuộc chơi đa ngành.
"Nếu ngành FMCG và dược phẩm có những thành tựu nhất định, chắc chắn tỷ suất lợi nhuận của Digiworld sẽ cao hơn bây giờ. Chúng tôi sẽ không bao giờ ‘say no’ trước bất cứ cơ hội nào, nhất là ở những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao", ông Đoàn Hồng Việt nêu cụ thể.
Về ngành thiết bị công nghiệp và F&B: DGW sẽ đi bằng 2 chân, vừa tự xây và vừa M&A. Với Digiworld làm sao để vừa đi đúng vừa đi nhanh quan trọng, nên họ không khăng khăng phải tự mình khởi nghiệp. "Ý tưởng chỉ đáng 5 xu, triển khai như thế nào mới quan trọng", ông Đoàn Hồng Việt bày tỏ.
Theo đó, quy mô đối tác để Digiworld có thể M&A phải nhỏ hơn hoặc bằng 20% so với bản thân họ. Cả hai phải có sự đồng điệu nhất định trong văn hóa doanh nghiệp và kinh doanh. Cho tới thời điểm này, Digiworld đang theo đuổi vài deal M&A và có thể chốt một vài trong đó ở năm 2022.
Vốn đầu tư vào các thương vụ M&A này sẽ đến từ lợi nhuận mà doanh nghiệp đã giữ lại hoặc vay thêm, chứ Digiworld sẽ không phát hành cổ phiếu, để không phả loãng quyền lợi của cổ đông.
‘ÁM ẢNH’ XIAOMI VÀ APPLE CỦA CÁC CỔ ĐÔNG DIGIWORD
Ở khía cạnh khác, có một điều vô cùng thú vị nữa: Ban lãnh đạo Digiworld liên tục bị các cổ đông của mình chất vấn về những vấn đề liên quan đến Xiaomi và Apple trong suốt ĐHCĐ. Mặc dù, doanh nghiệp này đã lường trước sự lo lắng của cổ đông khi xuất hiện 2 tay chơi lớn tham gia thị trường phân phối 2 thương hiệu này là FPT Retail cùng Thế Giới Di Động trong thời gian gần đây, nên họ đã truyền thông rất nhiều về vấn đề này.
Nhưng, dường nhưng những nỗ lực của Ban lãnh đạo chưa đủ hoặc có thể, các cổ đông của Digiworld bị ‘ám ảnh’ bởi 2 thương hiệu này quá.
Bà Tô Hồng Trang – Phó Tổng giám đốc Digiworld
"Thật ra, phân phối chỉ là 1 trong những mảng miếng kinh doanh của Digiworld chứ không phải tất cả. Digiworld còn 4 dịch vụ khác cũng quan trọng như phát triển thị trường, làm thương hiệu…Hiện Digiword đang có 5 trung tâm bảo hành D Care, vận hành 12 trung tâm bảo hành độc quyền của Samsung, vận hành 6 cửa hàng Xiaomi tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Vậy nên, việc các thương hiệu sau thời gian dài hợp tác cùng Digiworld và "đủ lông đủ cách" rồi bay đi tìm thêm đối tác khác là hoàn toàn bình thường, chẳng có gì bất ngờ với chúng tôi. Vấn đề của Digiworld là phải tìm cách nghiên cứu phát triển cùng lúc cả 5 mảng dịch vụ kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng – số hóa vận hành để phục vụ cho kênh online tốt hơn nữa", bà Tô Hồng Trang – Phó Tổng giám đốc Digiworld phản hồi.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Hồng Việt cũng cho rằng: Xiaomi hay Apple có thêm đối tác lớn không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Digiworld. Kinh doanh không đơn giản theo kiểu: bây giờ, Xiaomi có thêm đối tác quan trọng là FPT Shop thì miếng bánh thị trường sẽ chia làm 2. Hoặc thêm chuỗi TopZone của Thế Giới Di Động, sức bán của Digiworld sẽ bị ảnh hưởng; thật ra thì TopZone cũng có lấy hàng từ Digiworld.
"Vậy nên, trong năm 2022, tỷ lệ đóng góp của 2 thương hiệu nói trên vào doanh thu của Digiworld vẫn sẽ tiếp tục tăng. Và chúng tôi vẫn là một trong những đối tác quan trọng của Xiaomi lẫn Apple. Hơn nữa, chiến lược của chúng tôi là ngày càng đa dạng hóa đối tác – hợp tác thêm thương hiệu mới ở cả ngành hàng mới lẫn cũ, khiến tỷ lệ đóng góp vào doanh thu của từng thương hiệu nhỏ đi.
Nôm na là Digiworld sẽ không quá phụ thuộc vào bất cứ thương hiệu nào, ngành hàng – đối tác thì ngày càng mở rộng", Chủ tịch Digiworld tiếp lời.
Hơn nữa, là một nhà bán sỉ, Digiworld có những lợi thế mà các nhà bán lẻ không có. Nếu nhà bán lẻ phải mất từ 6 đến 8 tuần để hàng về tới kho sau khi ký đơn hàng, thì Digiworld chỉ mất 1 đến 2 tuần. Vậy nên, Digiworld đang có chức năng điều tiết thị trường và đây cũng là giá trị mà doanh nghiệp này mang lại cho các nhà sản xuất.
http://tintuc.vdong.vn/04/1311455.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế