Nếu COVID-19 làm các khu vực nghèo đói của thế giới thiếu lương thực, thì cuộc xung đột ở Ukraine khiến các nước phát triển lao đao, phải suy nghĩ lại về giá trị của đầu tư vào nông nghiệp và an ninh lương thực.
Cấm vận, cấm nhập khẩu, khủng hoảng di cư, đứt gãy chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng do cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao và nguy cơ thiếu hụt toàn diện. (Ảnh minh họa - Ảnh: CNN)
Câu chuyện thế giới khan dầu tưởng như đã là nghiêm trọng, nhưng gần đây, các tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra những cảnh báo về một nguy cơ nguy hiểm hơn đó là thiếu lương thực, nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.
Theo CNN, cấm vận, cấm nhập khẩu, khủng hoảng di cư, đứt gãy chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng do cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao và nguy cơ thiếu hụt toàn diện.
Theo dữ liệu của Liên Họp Quốc, cả Nga và Ukraine chiếm 6% lượng hạt toàn cầu, xuất khẩu hơn 16% lượng ngũ cốc gồm lúa mì, ngô, yến mạch và lúa mạch. Không những vậy, hai nước còn cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm nên gián tiếp khiến giá thịt gà, thịt lợn tăng theo.
CNBC còn bổ sung thêm, khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng hơn do thiếu nguồn cung phân bón. Hiện nay, Nga đang chiếm tới 11% lượng urê toàn cầu và 48% phân bón nitơ rắn. Cùng với Belarus, Nga đang cung cấp cho thế giới tới 40% lượng kali.
Tuy nhiên, các mặt hàng này của Nga bị cấm xuất khẩu. Còn hồi tháng 2, một nhà sản xuất phân bón lớn của Belarus tuyên bố các hợp đồng vượt quá khả năng của họ.
Việc khan hiếm đã khiến một số loại phân bón tại thị trường Bắc Mỹ tăng giá hơn gấp 2 lần so với năm 2021. Trong khi thực phẩm như tại Mỹ vốn đang gánh chịu áp lực lạm phát, thêm nguồn cung giảm nên cũng tăng giá mạnh. Tuy nhiên đây không phải lần đầu, nên nhiều báo đặt ra câu hỏi về sự chuẩn bị đối với các cuộc khủng hoảng tương lai.
CNN cho rằng có một số biện pháp các doanh nghiệp và chính phủ có thể làm để giảm tác động. Với các nước phát triển, trước hết là đa dạng hóa nguồn cung từ nội địa hoặc từ các thị trường ít bị tác động hơn. Hai là mở kho dự trữ để giảm "cơn khát" ngay. Thứ ba là cần đầu tư nhiều hơn vào sản xuất nông nghiệp. Cuối cùng là giảm lãng phí đồ ăn, nhất là tại Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 30 - 40% nguồn cung thực phẩm của nước này đang bị lãng phí.
Còn với các khu vực khác, các nhà khoa học gợi ý một cách có thể giảm cơn khát lương thực, thực phẩm: đó là gạo, nhưng gạo cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu.
Theo Bloomberg, Thái Lan và Việt Nam đang sản xuất được gạo nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước, nhưng Indonesia và Philippines thiếu cho chính nước họ.
Trong khi theo các nhà nghiên cứu, đối với các khu vực như châu Phi cận Sahara và Trung Đông, việc Đông Nam Á sản xuất được thặng dư gạo là điều tối quan trọng. Nó giúp giảm biến động về giá và cung cấp một nguồn gạo ổn định, phải chăng.
Hai năm COVID-19 khiến nhiều khu vực khó khăn của thế giới lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine lại khiến các nước phát triển lâm vào cảnh khó khăn khi nguồn cung đứt gãy. Chính vì vậy, theo dự kiến, lương thực có thể trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận của Hội nghị khí hậu COP 27 diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập, với hy vọng giảm hiện tượng ấm lên toàn cầu và ngăn chặn nạn đói trong tương lai.
VTV.vn - Ngày 8/4, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo giá lương thực toàn thế giới ở mức "cao chưa từng có" hồi tháng 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.82712101131402202-nag-ned-gnad-oab-noc-cuht-gnoul-gnaoh-gnuhk/et-hnik/nv.vtv