Đó chính là chia sẻ của bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) với truyền thông khi thị trường chứng khoán có những biến động lớn gần đây.
Yếu tố nội tại của chứng khoán vẫn tốt, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn
Thưa bà, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong diễn biến khó lường, tâm lý nhà đầu tư rất thận trọng trước nhiều vụ việc và loạt các tin đồn gần đây. Bà đánh giá thế nào diễn biến thị trường cổ phiếu trong giai đoạn quý I và hiện nay?
Bà Tạ Thanh Bình: Tiếp nối đà tăng của năm 2021, TTCK Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng tích cực trong những tháng đầu năm 2022. Chỉ số VN-Index tăng tốt và thiết lập định mới tại 1.528,48 điểm.
Tuy nhiên, từ tháng 3 tới nay, thị trường đang có nhịp điều chỉnh, đi ngang và giảm nhẹ trong bối cảnh các yếu tố rủi ro từ ngoại biên tác động như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, hay xung đột bất ngờ nổ ra ở Nga – Ukraine. Những yếu tố ngoại biên đã khiến áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sức ép giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là năng lượng. Những yếu tố đó tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là không ngoại lệ dù được đánh giá không quá lớn. Bên cạnh đó, TTCK trong nước cũng chịu tác động một phần từ các thông tin sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể, hay một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản,… khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng và gia tăng hoạt động chốt lời.
Diễn biến của TTCK Việt Nam cũng có sự tương đồng với các thị trường quốc tế. Những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu. Nhiều TTCK châu Âu, Mỹ và một số thị trường châu Á cũng biến động mạnh và theo chiều hướng giảm.
Dù vậy, triển vọng tích cực của nền kinh tế, cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 vẫn là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp TTCK tránh khỏi các nhịp điều chỉnh sâu. Tính cho cả quý I/2022, chỉ số VN-Index giảm -0,4% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 1,6 lần so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là trong tháng 3 vừa qua, Số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 271.619 tài khoản. Luỹ kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản, chính thức cán chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 5% dân số trước 3 năm.
PV: Dù thị trường được dự báo là chưa thể thoát khỏi xu thế đi ngang trong ngắn hạn, tuy nhiên, nhìn về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức hấp dẫn. Theo bà, đâu là các yếu tố nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại sẽ hỗ trợ thị trường tăng trưởng trong năm 2022?
Bà Tạ Thanh Bình: Mặc dù, biên độ dao động và nhịp độ biến động có thể sẽ lớn hơn, song TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.
Theo đó, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế. Số liệu công bố chính thức cũng đã cho thấy, tăng trưởng GDP quý I đã tăng khá mạnh trở lại, đạt 5,03%.
Đồng thời, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Bên cạnh đó, sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về trong lĩnh vực thuế, hải quan, … để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực chứng khoán, nhiều chính sách đã được Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường và đã chứng minh được hiệu quả trong bối cảnh tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 vừa qua.
Về các yếu tố nội tại của TTCK, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Tính đến ngày 31/3/2022 có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, tương đương 80% tổng số công ty báo cáo. Trong đó, 1.156/1.293 công ty báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 88%. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%. Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho "đặc sản riêng có" so với nhiều thị trường khu vực, như: kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh.
Dòng tiền trên thị trường năm 2022 kỳ vọng sẽ tiếp tục tích cực từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi các rủi ro trên toàn cầu giảm bớt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến các thị trường có tiềm năng và có các yếu tố riêng có như Việt Nam. Đối với dòng tiền nội, dù tăng mạnh trong thời gian qua, song TTCK Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong nước.
Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, TTCK Việt Nam vẫn có thể đối diện với không ít những rủi ro, thách thức. Theo đó, trên thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, rủi ro như: biến chủng Covid-19 mới; các gói kích thích kinh tế cắt giảm; xu hướng lãi suất tăng; áp lực lạm phát; căng thẳng địa chính trị;… Đối với các yếu tố trong nước, dù triển vọng tích cực, nhưng Covid-19 vẫn là yếu tố bất định, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá năng lượng tăng mạnh,… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn, phát tán tin giả
Trong bối cảnh thị trường rất dễ bị tác động từ những thông tin bên ngoài hoặc mang tính sự vụ, hay tin đồn thất thiệt, bà có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư?
Bà Tạ Thanh Bình: Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 công điện trong đó đã chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Về phía cơ cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt UBCKNN và các đơn vị chức năng trong việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK. Thời gian qua, hàng loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm. Điển hình là các cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng vì có hành vi thao túng TTCK, hay sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển, UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường; đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên thị trường. Mặt khác, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường,…
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, TTCK Việt Nam 2022 vẫn được đánh giá khả quan, do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư.
Xin cảm ơn bà!
https://cafef.vn/ba-ta-thanh-binh-uy-ban-chung-khoan-se-xu-ly-nghiem-doi-tuong-tung-don-va-phat-tan-tin-gia-chung-khoan-viet-nam-con-nhieu-dac-san-rieng-nha-dau-tu-can-binh-tinh-2022041316193383.chnTheo Bạch Huệ
Nhịp sống kinh tế