Ngày 13/4, VN-Index tăng gần 22 điểm, lên mốc 1.477,2 điểm. Mức tăng này đã bù lại được khoảng 1/3 lượng giảm của 3 phiên liên tiếp. Với mức tăng 1,51% ngày 13/4, chỉ số VN-Index thuộc TOP 5 thị trường có mức tăng mạnh nhất châu Á, chỉ đứng sau các chỉ số chính của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Phải chăng có yếu tố vĩ mô tích cực nào từ thị trường khiến nhà đầu tư hưng phấn đến vậy?
Nhà đầu tư tổ chức tăng niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Tsuyochi Imai, Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Nhật Bản, cho biết: "Điều quan trọng nhất với nhà đầu tư quốc tế là sự minh bạch, nhưng nhiều năm nay có những vấn đề mà Việt Nam đã không xử lý được, làm triển vọng một thị trường tốt bị ảnh hưởng rất nhiều. Những quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm, cảnh cáo với UBCKNN, HOSE, HNX và VSD làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế rất nhiều, đây là hành động cần thiết để thị trường Việt Nam bước lên những nấc thang mới, tôi phải nói là về dài hạn đây là các hành động rất tích cực".
Hiện nay, trái phiếu phát hành ra công chúng (dạng trái phiếu được niêm yết với độ minh bạch cao) chỉ chiếm 4% trong khi trái phiếu phát hành riêng lẻ (với tiêu chuẩn công bố thông tin thấp hơn và độ rủi ro cao hơn) đang chiếm tới 96%. Bất động sản vươn lên là nhóm có tỷ trọng phát hành lớn nhất.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trong 5 năm qua, trái phiếu đã trở thành kênh huy động quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, với giá trị phát hành trung bình xấp xỉ 100.000 tỷ đồng/năm, đóng góp tỷ trọng 30-40% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động.
Trên thế giới, để bảo vệ nhà đầu tư, một số nước đã có những ràng buộc trách nhiệm của các ngân hàng hay công ty chứng khoán tránh việc họ đang tìm mọi cách đưa trái phiếu, thậm chí kém chất lượng đến tay nhà đầu tư.
Thông tin từ Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol, Vương quốc Anh, người đang có công trình nghiên cứu về thị trường trái phiếu Mỹ: "Một ngân hàng hay công ty chứng khoán khi họ bán trái phiếu cho nhà đầu tư mà họ thu được 1 tỷ mà sau đó họ biết rằng họ bị phát hiện ra là họ bán trái phiếu mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông tin cho nhà đầu tư họ sẽ bị phạt 4 tỷ - 5 tỷ liên tục trong nhiều năm sau đó thì họ sẽ hạn chế làm việc đó vì nguồn thu lại không đủ bù tiền bị mất đi. Đó là một cách chế tài để buộc các đơn vị bán trái phiếu phải có trách nhiệm hơn với các nhà đầu tư. Đây là cách mà các thị trường nước ngoài họ đã làm vì họ đã bị các trường hợp này rồi".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, với nhiều yêu cầu với các Bộ, ngành xử lý sớm, dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán từ công bố thông tin, đưa tin thất thiệt, thao túng giá hay lừa đảo… gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đến cuối năm ngoái, vốn hóa thị trường đã đạt hơn 120% GDP của Việt Nam. Tất cả những biện pháp mạnh tay, quyết liệt của các cơ quan quản lý, mục đích cuối cùng là có một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch. Có như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ hội thu hút hàng tỷ USD khi chúng ta được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 13/4 với khách mời là ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn chú ý theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.20390612231402202-nah-iad-gnort-naohk-gnuhc-gnourt-iht-o-ig-gnov-yk-ut-uad-ahn/et-hnik/nv.vtv