Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (trái) đứng cùng Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin trước cuộc họp báo chung tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 13-4 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, thông tin này nhấn mạnh sự thay đổi trong quan điểm an ninh của Phần Lan kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24-2.
Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển là đối tác thân thiết với NATO nhưng tránh không gia nhập liên minh gồm 30 thành viên này.
Trong cuộc họp báo chung ở Stockholm với người đồng cấp Thụy Điển ngày 13-4, bà Marin nói: "Chúng tôi phải chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga". Bà cho biết lựa chọn gia nhập NATO phải được phân tích kỹ lưỡng, nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Là đối tác và thành viên có sự khác biệt rất rõ ràng. Không có cách nào khác để được đảm bảo an ninh hơn là dưới sự răn đe của NATO và sự phòng thủ chung được đảm bảo bởi điều 5 của NATO" - bà nêu.
Bà Marin cho biết sẽ không đưa ra bất kỳ thời gian biểu nào về việc khi nào Phần Lan sẽ quyết định (có gia nhập NATO hay không). "Tôi nghĩ nó sẽ diễn ra khá nhanh - trong vài tuần chứ không phải trong tháng", bà Marin nói.
Phần Lan có đường biên giới chung dài 1.300km với Nga về phía đông. Phần Lan từng chiến đấu chống Liên Xô trong cuộc chiến ngắn 1939-1940 ở thời điểm đầu Thế chiến thứ hai. Nước này duy trì sự trung lập, không liên kết về mặt quân sự kể từ đó.
Theo bà Marin, điều quan trọng của việc gia nhập NATO là phải có sự đồng thuận trong nước. Theo đó, các đảng phái chính trị sẽ đàm phán trong nội bộ và tại Quốc hội trong những tuần tới.
Dư luận ở Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO. Cuộc khảo sát gần đây nhất của đài truyền hình tư nhân MTV cho thấy 68% người được hỏi ủng hộ gia nhập NATO và chỉ 12% phản đối.
Một bản cập nhật trong sách trắng của Chính phủ Phần Lan về chính sách đối ngoại và an ninh công bố ngày 13-4 cho biết việc Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine đã làm thay đổi sâu sắc tình hình an ninh, nhưng không đưa ra khuyến nghị nào về việc gia nhập NATO.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết có những ưu và nhược điểm khi trở thành thành viên của NATO. Ưu điểm chính là được bảo vệ an ninh theo điều 5 của NATO, theo đó liên minh coi hành vi tấn công vào một thành viên là tấn công vào tất cả.
Thụy Điển là quốc gia trung lập trong Thế chiến thứ hai và không có chiến tranh trong hơn 200 năm qua.
Nga nhiều lần cảnh báo cả hai nước không nên gia nhập NATO. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phải "tái cân bằng tình hình" bằng các biện pháp của riêng mình.
TTO - Việc gia nhập NATO có thể giúp Phần Lan chấm dứt các lo lắng an ninh của nước này nhưng cũng đồng thời có một số điều chưa được, bao gồm "rủi ro lớn" leo thang căng thẳng ở châu Âu.
Xem thêm: mth.89793309041402202-agn-ut-gnod-hnah-iom-ohc-ib-nauhc-iahp-iot-gnuhc-nal-nahp-gnout-uht/nv.ertiout