Ngày 14/4, nguồn tin của VOV.VN cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã đề nghị UBND một số tỉnh, thành cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC.
Theo đó, Cơ quan Điều tra đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu...) đứng tên bốn cá nhân.
Những người này gồm ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Tập đoàn FLC) và vợ ông Quyết, hai em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.
Bên cạnh việc đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu, cơ quan điều tra còn đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu...) của các cá nhân nêu trên.
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC bị bắt ngày 29/3 để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Những ngày sau, lần lượt 2 em gái của ông Quyết là các bà Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án này.
Đến ngày 8/4, Bộ Công an tiếp tục bắt tạm giam bà Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS) và Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS) về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Liên quan đến vụ án, nhà chức trách bước đầu xác định, ông Quyết và các bị can đã sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Khi giá cổ phiếu FLC được đẩy lên mức cao, ông Quyết chỉ đạo bán ra số lượng cực lớn là 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC đã khớp lệnh là gần 75 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này được "bán chui", không công bố trước khi thực hiện giao dịch.
Sau khi xảy ra việc "bán chui" cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, nhiều nhà đầu tư may mắn được hoàn lại tiền./.
Theo Võ Nam
VOV