Phiên tăng mạnh hôm qua sau 3 chuỗi giảm sâu đã không giữ được. VN-Index luôn đi trên tham chiếu trong phiên hôm nay (14/4), có lúc tăng hơn 6 điểm để tiệm cận vùng 1.485 điểm.
Tuy nhiên, thời điểm một tiếng trước giờ đóng cửa, thị trường đột ngột đảo chiều bởi áp lực bán dâng cao. Biên độ giảm được nới rộng dần, đến khi chốt phiên, Vn-Index chốt phiên ở sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,08 điểm (0,34%) xuống 1.472,12 điểm. Toàn sàn có 185 mã tăng, 271 mã giảm và 45 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,76 điểm (0,88%) xuống 423,69 điểm. Toàn sàn có 118 mã tăng, 102 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,1%) lên 113,41 điểm. Nhóm VN30 giảm tới 7 điểm với 20 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và 8 mã tăng giá.
Cổ phiếu bán lẻ hôm nay bứt phá với tất cả các mã nhóm ngành này đều ghi nhận sắc xanh. FRT tăng 6,6% lên 165.300 đồng/cổ phiếu và nhiều thời điểm được khớp với giá trần, DGW tăng 5%, PNJ tăng 0,8%, MWG tăng 2,1% về mức đỉnh cách đây một tuần. Hôm qua (13/4), MWG thông báo về việc thành lập công ty con là CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Theo đó, MWG sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn trong chuỗi Bách Hóa Xanh cho công ty mới thành lập trên. Tổng khối lượng sang tay gần 1,28 tỷ cổ phiếu, tương đương với giá trị 12.795 tỷ đồng.
Động thái tái cơ cấu là để thuận tiện cho việc phát hành riêng lẻ và niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ diễn ra tại CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh. Công ty mới còn có thể Đầu tư thêm vào các đơn vị khác hoạt động trong ngành nghề có liên quan.
Thanh khoản cổ phiếu hôm nay đều ở mức thấp, không có mã nào thanh khoản vượt 1.000 tỷ đồng. VPB đứng đầu cũng chỉ đạt 930 tỷ đồng, tiếp đến DPM gần 700 tỷ đồng và DGC 580 tỷ đồng.
Các mã phân bón, hóa chất hôm nay bứt phá mạnh. DPM tăng 6,1%, DCM, DGC tăng trần 6,9%, BFC cũng tăng 4% hay CSV tăng hơn 5%. Nhóm cổ phiếu thuỷ sản cũng diễn biến tiêu cực, ANV tăng nhẹ, VHC của Vĩnh Hoàn phiên hôm nay đã lập đỉnh 102.600 đồng/cổ phiếu khi tăng 4,8%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến trái chiều, một số mã tăng như ABB, ACB, TPB, SHB, OCB... song nhiều mã đỏ lửa và một số mã thậm chí nằm trong nhóm kéo chỉ số chung như TCB, VCB, BID...
HAG của Hoàng Anh Gia Lai giảm sàn dù doanh nghiệp hiện chưa có thông tin gì tiêu cực. Cổ phiếu RIC của CTCP Quốc Tế Hoàng Gia hôm nay cũng giảm sàn. HoSE mới đây đã thông báo 28,7 triệu cổ phiếu RIC sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 16/5/2022 là do kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục. Năm 2019, RIC báo lỗ 72,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 228,3 tỷ đồng; năm 2020, công ty báo lỗ 81,54 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 309,83 tỷ đồng và năm 2021 báo lỗ 96,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lỗ 406,36 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của RIC là 688 tỷ đồng.
Nhiều mã bất động sản hôm nay diễn biến xấu sau phiên tăng đột biến hôm qua. Nhiều mã hôm qua tăng trần nay quay đầu giảm mạnh. DIG giảm 6,2%, LDG giảm 3,6%, HTN giảm 3,4%, TCD giảm 2,08%, LCG giảm 3%, TNI giảm 3%, HQC giảm 3%, VCG giảm 2,7%...
Nhóm cổ phiếu nhà Vingroup diễn biến tiêu cực khi 2 mã trụ cột là VIC và VHM đều giảm điểm. Cả 2 mã này cũng đều nằm trong nhóm những cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường.
Khối ngoại bán ròng trở lại 218 tỷ đồng ở sàn HoSE sau phiên mua ròng đột phá hôm qua. HPG là mã bị bán nhiều nhất phiên hôm nay với 171 tỷ đồng. Ngoài ra, VND bị bán 90 tỷ đồng, VHM bị bán 41 tỷ đồng, VNM bị bán 40 tỷ đồng. Ngược lại, một số mã được mua là DGC với 92 tỷ đồng, DPM với 63 tỷ đồng, GEX 58 tỷ đồng...
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm với tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.203 tỷ đồng, giảm 15% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 12% xuống còn 17.238 tỷ đồng. Phiên hôm nay cũng ghi nhận dòng tiền đổ vào thị trường thấp nhất 2 tháng trở lại đây.