vĐồng tin tức tài chính 365

Sửa Luật Dầu khí cần rõ 'vai' của PVN

2022-04-15 03:03

Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 10, cho ý kiến về Luật Dầu khí sửa đổi.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, người thừa uỷ quyền Thủ tướng trình dự án luật sửa đổi, cho biết lần này bổ sung quy định liên quan tới hợp đồng dầu khí, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, cũng như vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Điều 8 dự án luật sửa đổi quy định, PVN là doanh nghiệp nhà nước được điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, cũng như ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí. PVN được phân cấp phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí...

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, vai trò, địa vị pháp lý của PVN chưa rõ tại lần sửa đổi này. "Trước đây, PVN vừa là doanh nghiệp vừa là quản lý nhà nước lĩnh vực dầu khí. Bây giờ có Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vai trò, địa vị pháp lý của PVN thế nào?", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Ông cho rằng cần quy định rõ, phân tách giữa vai "quản lý nhà nước" và "doanh nghiệp, nhà thầu" để tránh xung đột lợi ích các quy định khác cùng trong dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, cần làm rõ hơn phạm vi quyền gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của PVN trong từng vai trò cụ thể là nhà đầu tư dầu khí độc lập ký kết hợp đồng dầu khí và thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

Cụ thể, theo ông Thanh, dự án Luật sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của PVN trong ký kết với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ. Việc này nhằm bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Đồng tình, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cũng đề nghị cần rõ địa vị pháp lý của PVN ở hai khía cạnh. Một là, PVN với vai trò là một doanh nghiệp, nhà đầu tư thì tập đoàn sử dụng nguồn vốn hợp pháp của mình để đầu tư. Cơ chế này thực hiện theo Luật 69.

Hai là, PVN thay mặt Chính phủ để đầu tư, tức là một bên để ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, thì cơ chế cần nêu rõ thẩm quyền quyết định đầu tư, điều kiện, điều khoản về phân chia sản phẩm.

Nêu ý kiến sau đó, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN, cũng mong muốn luật quy định rõ, cụ thể địa vị pháp lý cũng như chức năng quản lý Nhà nước của PVN để "tập đoàn có cơ sở pháp lý, dễ thực hiện nhiệm vụ".

Theo thông lệ quốc tế, có hai mô hình công ty dầu khí trên thế giới. Một là công ty dầu khí quốc gia, thực hiện các mục tiêu, chiến lược của Nhà nước. Đây cũng là mô hình hoạt động của PVN hiện nay.

Hai là, mô hình công ty dầu khí quốc tế, có mục tiêu chính là kinh doanh.

Ở lần sửa đổi này, ông Hùng đề nghị, quy định rõ về địa vị pháp lý của PVN là công ty Dầu khí quốc gia.

Thực tế, quản lý nhà nước về dầu khí được chia làm 3 cấp, từ Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành có liên quan và PVN. Tập đoàn này vẫn là tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp các hoạt động về dầu khí và trình các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. "Nhưng việc xác định địa vị pháp lý rõ ràng cũng giúp rõ hơn chức năng quản lý Nhà nước của tập đoàn", Tổng giám đốc PVN nói.

Còn chức năng nhà thầu dầu khí, ông Hùng nói, dự án luật sửa đổi "chỉ cần nêu PVN thực hiện đầu tư vào hoạt động dầu khí như các nhà thầu dầu khí khác là đủ".

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Trong đó, quy định rõ, cụ thể vai trò quản lý nhà nước, vị trí pháp lý, quyền gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm của PVN khi là nhà đầu tư dầu khí độc lập ký hợp đồng dầu khí và khi thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

"Nghiên cứu, phân cấp cho PVN trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh gắn liền với cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng", ông Hải nêu.

Chính phủ cũng cần rà soát, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến góp ý về việc cần "khôi phục" lại Quỹ tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí hay không.

Trước đây có Quỹ tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, nên với các hoạt động thăm dò, khai thác không thành công, không chuyển sang giai đoạn phát triển khai thác để thu hồi lại được, quỹ này sẽ trích một phần để xử lý các rủi ro. Tuy nhiên, khi có Luật 69, không được phép trích lập các quỹ đặc biệt trong doanh nghiệp, nên Quỹ tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí không còn tồn tại.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí nhiều rủi ro, tốn hàng tỷ USD nhưng chưa chắc có được kết quả như mong muốn. Vì thế, việc xử lý các chi phí khi tìm kiếm, khai thác dầu khí không thành công là vấn đề đặt ra.

Việc này được Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận diện là một trong số vướng mắc lớn hiện nay của ngành dầu khí.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN tại phiên họp thảo luận về dự án Luật Dầu khí sửa đổi. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN tại phiên họp thảo luận về dự án Luật Dầu khí sửa đổi. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Hùng cho hay vừa qua Nghị định 36 về quy chế tài chính của PVN đã xử lý được vấn đề này. Theo đó, đến năm 2023, tập đoàn được sử dụng hết phần quỹ còn lại và áp dụng phân bổ chi phí tìm kiếm thăm dò không thành công trong kết quả sản xuất kinh doanh trong lợi nhuận sau thuế của PVN trong 5 năm.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc PVN cho biết tập đoàn này vẫn mong muốn ở lần sửa đổi này "nếu có thể thì luật cho phép có Quỹ tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí". Việc này, ông Hùng nói, phù hợp với thông lệ quốc tế, bản chất rủi ro của hoạt động dầu khí và tách một nguồn vốn ổn định cho các hoạt động sản xuất kinh doanh như là vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu thì sẽ tốt hơn cho tập đoàn.

Việc sửa luật này diễn ra trong bối cảnh nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao, đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh. Các lô dầu khí mở có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Luật Dầu khí hiện hành đã qua 3 lần chỉnh sửa, nhưng vừa qua phát sinh một số vướng mắc cần hoàn thiện. Hơn nữa, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí.

Dự thảo luật Dầu khí sửa đổi dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp, vào tháng 5 tới.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.2631544-nvp-auc-iav-or-nac-ihk-uad-taul-aus/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sửa Luật Dầu khí cần rõ 'vai' của PVN”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools