Chiều 14/4, Cung, 40 tuổi, bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Tuấn Sĩ, 54 tuổi, nhận ba năm tù với vai trò đồng phạm.
Trừ đi số tiền bị cáo đã khắc phục và nạn nhân tự nguyện cho để làm từ thiện, tòa buộc Cung phải trả cho các nạn nhân số tiền 63 tỷ đồng.
Theo HĐXX, bị cáo Cung là người đã xuất gia theo đạo Phật, nhưng đã lợi dụng lòng tin của các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản nên cần có mức án nghiêm khắc.
Tại tòa, Cung thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng, do lâm vào cảnh nợ nần nên đã nghĩ ra nhiều cách để chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm để trả và tiêu xài.
"Dù bản thân đã đi tu nhưng vẫn còn chất của người đời, chính vì vậy bị cáo đã gây ra hành vi lừa đảo", Cung khai.
Nói lời sau cùng, nguyên trụ trì thừa nhận mình "là người không tốt", nên xin nhận mức án tử hình. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân và người thân.
Bản án xác định, năm 2005, Phạm Văn Cung là tu sĩ tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cung sau đó được bổ nhiệm làm trụ trì chùa này và bắt đầu xin phép xây dựng Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương để nuôi dạy trẻ mồ côi. Cuối năm 2012, Cung làm giám đốc trung tâm này.
Cung đã tổ chức nhiều chương trình, giới thiệu quen với các lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, làm video về hoạt động từ thiện của chùa và cô nhi viện... đăng lên mạng xã hội nhằm quảng bá, tạo uy tín, lòng tin với nhiều người.
Năm 2015, Cung làm quen với nữ doanh nhân 50 tuổi ở TP HCM qua chương trình từ thiện rồi mời người này vào Vĩnh Long tham quan chùa và cô nhi viện. Cung nói dối đang thiếu nợ nhiều tỷ đồng tiền xây chùa, tượng Phật và cô nhi viện để mượn tiền nữ doanh nhân. Thấy người này tin tưởng, nên Cung bàn với trợ lý là Lê Nguyên Khoa dựng chuyện mình bị chủ nợ bắt cóc giam lỏng ở Trung Quốc, rồi giả bệnh... để "moi" thêm tiền. Trụ trì còn thuê Sĩ đóng giả là người nhận cầm ôtô của mình để nhờ người này cho mượn tiền chuộc.
Tổng cộng, Cung nhận của nữ doanh nhân này 18,6 tỷ đồng. Khi sự việc bị phát giác, anh ta trả lại một phần, còn chiếm đoạt của nạn nhân 11,6 tỷ đồng.
Cũng với kịch bản bị "xã hội đen bắt cóc", năm 2017, Cung và Khoa chiếm đoạt của một nữ phật tử ở Hà Nội 26 tỷ đồng rồi chia nhau tiêu xài.
Một năm sau, Cung làm quen với nữ doanh nhân 57 tuổi, quê Hưng Yên khi cùng tham gia chuyến đi Liên bang Nga. Trụ trì giới thiệu mình là "Đặc phái viên Quốc tế Ủy ban Tuyên dương khen thưởng Phật giáo của Chính phủ SriLanka" mời bà vào Vĩnh Long tham quan chùa Phước Quang. Để "lấy lòng" doanh nhân này, Cung mời một số vị sư từ Vĩnh Long ra Hưng Yên làm lễ cúng bái, tạo may mắn cho việc kinh doanh của gia đình bà.
Khi nữ doanh nhân tin tưởng, Cung nhiều lần nói mình bị bệnh, hoặc đang gánh nợ thay phật tử, người thân nên phải trốn sang Tây Tạng vì sợ công an bắt, nhờ bà giúp đỡ. Với cách này, Cung đã nhận tổng cộng hơn 17 tỷ đồng của nạn nhân nhưng khi bị phát hiện chỉ trả lại hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cung còn nhận 13 tỷ đồng của một nữ ca sĩ 42 tuổi, cam kết giúp đưa thân nhân của người này từ Anh về Việt Nam sống hợp pháp nhưng không thực hiện được. Tổng cộng, Cung chiếm đoạt của 4 nạn nhân 68 tỷ đồng.
Giữa năm 2020, hành vi của Cung và đồng phạm bị các nạn nhân tố cáo. Tháng 8/2020, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định cho trụ trì Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung) hoàn tục. Đồng thời, thu hồi chứng điệp thọ giới, chứng nhận tăng ni và xóa tên trong danh bộ tăng ni...
Liên quan đến vụ án, Lê Nguyên Khoa, 36 tuổi, đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Cửu Long
Xem thêm: lmth.3541544-naht-gnuhc-na-hnil-irt-urt-neyugn-nahn-hnaod-4-aul/ten.sserpxenv