Ao sen của Hải ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc bị đợt mưa lũ bất thường cuối tháng 3 ngập nước gây thiệt hại nặng. Ngày giữa tháng 4, anh đang nỗ lực trồng lại để mặt nước được phủ kín màu xanh của lá, màu hồng của hoa sen.
Hải là con của bà mẹ đơn thân tật nguyền, bỏ học từ năm lớp 9 rồi mở tiệm cắt tóc tại địa phương. Tuổi 17, Hải làm ra tiền, ăn chơi quậy phá có tiếng ở xã Đại Hiệp.
Năm 2014, một thanh niên gọi điện thoại cho người yêu nhưng bấm nhầm số gọi vào máy của Hải. Phía đầu dây nghi ngờ Hải là bồ của người yêu mình nên chửi bới. Hai bên thách thức. Vốn thường xuyên đánh lộn nên Hải tìm đến nhà, đánh anh này trọng thương.
Tính ngông cuồng, côn đồ của Hải đã phải trả giá bằng bản án 2 năm tù về Tội cố ý gây thương tích ở trại giam Bình Điền (Thừa Thiên Huế). Năm 2017, Hải chấp hành xong hình phạt trở về địa phương. Vốn là người ăn chơi lêu lổng, nay đi tù về nên nhiều người nhìn anh bằng ánh mắt dè chừng. Nhiều người kỳ thị, tránh xa.
Nhìn mẹ suy nghĩ, đau buồn về tương lai của con, Hải quyết tâm "làm lại cuộc đời" cho mẹ an lòng. Anh được chính quyền tạo điều kiện cho thuê 2,7 hecta hồ nước nằm giữa cánh đồng lúa bên sông Vu Gia, cho nợ lúc ban đầu. Hải vay người thân thuê máy đào múc đất ven bờ tạo vùng nước sâu nuôi cá, giữa hồ trồng sen.
Sau mỗi vụ thu hoạch, Hải có được chút vốn nên thuê thêm 10 sào đất của người dân quanh hồ trồng chuối và 500 cây dừa.
Với cây sen, Hải ban đầu cắt hoa và lá bán cho thương lái song giá không cao. Biết được họ mua về nhập cho các spa ở Đà Nẵng, anh mang hoa, lá đến giấy thiệu và cam kết cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu. Từ việc bán một spa được họ tin tưởng, nhiều spa khác đặt mua với giá một bông 2.500 đồng; 1.000 đồng/lá.
Chiều muộn mỗi ngày, Hải thu hoạch khoảng 400 bông hoa và 200 lá cho lên xe máy. Khoảng 4h30 hôm sau anh chạy từ nhà ra Đà Nẵng hơn 20 km giao hàng cho khách. "Thời điểm chưa Covid-19, mỗi năm tôi bán hoa và lá thu được 150 triệu đồng", anh nói và trong thời gian dài các spa đóng cửa đã chuyển hướng sang thu hoạch hạt.
Dưới hồ anh nuôi cá trắm, trôi đỏ mỗi năm trừ chi phí thu khoảng 70 triệu đồng; chuối 20 triệu đồng. "Tôi đang xây dựng các nhà làm quán nhậu, nơi check in mùa sen nở thu hút du khách", anh nói và ấp ủ trong tương lai sẽ hình thành một khu sinh thái.
Người đàn ông 43 tuổi nay có vợ và một người con trai tâm sự, trước đây nông nổi, hay uống rượu rồi quậy phá, đánh lộn. Nhận ra lỗi lầm nên Hải thay đổi hoàn toàn, tính cách nông nổi mất dần.
Mới đây, khi đối mặt với hai người dùng máy kích điện đến ao bắt trộm cá, Hải đã chọn cách không "đối đầu" mà đi báo công an xã. "Một người thách thức tôi, nói 'thằng ra tù về sẽ không dám đánh'. Người kia định dí điện vào tôi", Hải kể.
Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp Đỗ Thanh Cảng cho biết chính quyền xã bảo lãnh với ngân hàng chính sách huyện để Hải được vay 30 triệu đồng. Tinh thần "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", chính quyền luôn tạo điều kiện để Hải làm lại cuộc đời.
Ông đánh giá, Hải trước đây là người quậy phá nhưng giờ thay đổi rõ rệt; không còn nóng nẩy, gây gổ.
Xem thêm: lmth.2899444-nes-oa-iod-couc-ial-mal-og-yag-yah-iougn/ten.sserpxenv