vĐồng tin tức tài chính 365

Áp lực chi phí container đi Mỹ của ngành nội thất

2022-04-15 07:02

Chia sẻ tại hội thảo ngày 14/4, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên đã kín đơn hàng đến hết quý III và có khả năng hoàn thành mục tiêu kim ngạch 16,5 tỷ USD của năm nay. 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ bị ăn mòn vì nhiều chi phí vẫn ở mức cao, đứng đầu là giá container quốc tế.

Ông Võ Quốc Lợi, Ủy viên ban chấp hành Hawa, Đại diện Gỗ Trường Thành, cho hay tính đến tháng 3, chi phí trung bình mỗi container đi Mỹ ở mức trên 10.000 USD, ảnh hưởng đến chi phí và nhu cầu nhập hàng của khách.

Giá container đi Mỹ là mối bận tâm lớn khi thị trường này chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu gỗ nội thất của Việt Nam năm ngoái. Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tổng cộng hơn 970 triệu TEU container các mặt hàng gỗ, đồ nội thất, mỹ nghệ các loại vào 2021.

Bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng ban vận tải và giao nhận của VLA cho biết giá cước vận tải quốc tế năm 2022 đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở tầm cao. "Tình hình năm 2022 có thể cải thiện hơn năm 2021. Tuy nhiên, để quay lại giá cước trước 2019 là rất khó, có thể kéo dài đến hết năm 2023", bà Lan nói.

Giá cước đi Mỹ nói riêng cũng có xu hướng tương tự. Khảo sát của VLA công bố tại hội thảo cho biết, vào tháng 1/2021, giá mỗi container đi bờ Đông trung bình chỉ 4.800 USD thì đến tháng 12 là 22.000 USD. Tương tự, giá đi bờ Tây cũng tăng từ 4.000 USD lên 19.000 USD.

Sang 2022, giá container đi bờ Đông và bờ Tây trung bình trong quý vừa qua lần lượt là 16.333 USD và 13.667 USD, tức đã giảm so với giai đoạn cuối năm ngoái. VLA dự báo giá sẽ về mức xấp xỉ trung bình cùng kỳ 2021 và đến quý cuối năm, mới hạ nhiệt khoảng 25-38%.

Đây chỉ là mức giá trung bình và thực tế có lúc nhà mua hàng Mỹ phải tốn hơn 20.000 USD để nhập một container nội thất Việt Nam. "Có trường hợp một container đồ gỗ giá trị 25.000 USD mà cước đi bờ Đông cũng gần bằng", và Lan ví dụ.

Theo bà Tracy Trần, Đại diện Mitchell Gold + Bob Williams, một nhà mua hàng cho các chuỗi bán lẻ nội thất tại Mỹ, sở dĩ có những container chi phí đắt đỏ vì có lúc doanh nghiệp không tìm được container theo loại giá CBR (loại cước trọn container cho mặt hàng riêng biệt) và loại giá FAK (loại cước trọn container cho mọi loại hàng) thì phải tìm đến lựa chọn giá Premium với giá thường trên 20.000 USD mỗi container. Trong khi giá CBR chỉ 900-1000 USD và giá FAK tầm 15.000-18.000 USD mỗi container.

Bà Lan khuyến nghị, để tiết kiệm chi phí vận chuyển và chủ động được container rỗng, doanh nghiệp có thể tìm hiểu giải pháp "swap container", tức là giữ lại chính container mà họ nhập nguyên liệu để đóng hàng xuất đi. Hiện có 6 hãng tàu quốc tế hoạt động tại Việt Nam có giải pháp này.

Tuy nhiên, để tiếp cận phương thức trên, doanh nghiệp phải cần nhiều nỗ lực trong việc chọn hãng tàu tương đồng giữa nhập và xuất. Điều này đòi hỏi sự chủ động thương thảo, giành quyền book tàu, thay đổi cách nhập nguyên liệu với đối tác mua - bán hàng.

"Các nhà xuất nhập khẩu cần tìm các đại lý vận tải cấp 1, có giấy phép FMC của Cục hàng hải liên bang Mỹ thì khả năng book được tàu cao, tránh đội lên nhiều chi phí khi book qua nhiều trung gian", bà Lan gợi ý thêm.

Ngoài giá container, giá xăng dầu - chiếm 40% chi phí vận chuyển nội địa - cũng góp phần tăng làm chi phí khâu vận tải nội địa từ nhà máy ra cảng cũng leo thang. Năm qua, giá dầu trong nước trung bình tăng 21% so với 2020.

Tuy nhiên, chỉ trong quý I, giá dầu đã tăng 52% so với cùng kỳ. "Mức tăng đã ngoài tầm kiểm soát các doanh nghiệp logistics lẫn sản xuất", bà Lan thừa nhận.

Ông Võ Quốc Lợi cũng chi ra rằng phần lớn gỗ và sản phẩm gỗ được xuất khẩu tại các cảng trải dài trong nước, tập trung nhiều nhất cảng Cát Lái (chiếm tỷ trọng 18%). Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp ngành này lại ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM. "Như vậy, chi phí xăng dầu tăng ảnh hưởng đến chi phí xuất khẩu", ông Lợi nói.

Đó là chưa kể cảng Cát Lái là cửa ngõ chính xuất ngoại nhưng vì TP HCM áp dụng phí cơ sở hạ tầng từ tháng 4, chi phí logistics càng đội lên cao. Xác nhận những áp lực này, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khuyến nghị doanh nghiệp lựa chọn thêm các tuyến trung chuyển tiết kiệm chi phí, đưa hàng ra cảng Cái Mép.

Cụ thể, tại khu vực Tân Uyên (Bình Dương), doanh nghiệp gỗ có thể đưa hàng về cảng Thạnh Phước để trung chuyển 110 km trong 12 giờ lên cảng Cái Mép. "Đi bằng đường thuỷ về Cái Mép tiết kiệm chi phí 20-30% so với đường bộ và tiết giảm được phí hạ tầng cảng khi không xuất tại Cát Lái", bà Lệ cho hay. Một số tuyến trung chuyển từ ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch đến Cái Mép cũng được cho là có thể tiết kiệm hơn 10% chi phí.

Sản phẩm triển lãm tại Vietnam Furniture Matching Week 2022. Ảnh: Viễn Thông

Sản phẩm triển lãm tại Vietnam Furniture Matching Week 2022. Ảnh: Viễn Thông

Theo ghi nhận của Hawa, ngoài chi phí vận tải, chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng. Một số nguồn nguyên vật liệu gỗ tăng mạnh như sồi (xẻ) tăng 28% (tròn) tăng 40%; gỗ dương (xẻ) tăng 40%.

"Với tình hình căng thẳng Ukraine và tắc nghẽn container thì chi phí nguyên vật liệu tăng và chưa có điểm dừng", ông Võ Quốc Lợi dự báo.

Hawa khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện thương thảo các hợp đồng mua nguyên vật liệu, dịch vụ logistics dài hạn. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại danh mục sản phẩm để có chiến lược mua hàng hợp lý và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Một số hình thức như tìm kiếm hợp tác mua chung số lượng lớn, đàm phán với đối tác mua hàng để có kế hoạch sản xuất dài hạn hơn cũng là những cách để giảm chi phí. Về dài hạn, việc đầu tư vào chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí, giảm hao hụt, và tiết giảm nhân công là cần thiết.

Viễn Thông

Xem thêm: lmth.0331544-taht-ion-hnagn-auc-ym-id-reniatnoc-ihp-ihc-cul-pa/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Áp lực chi phí container đi Mỹ của ngành nội thất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools