Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo ngày 13/4 của của nước ta đang dẫn đầu trong các nước lớn xuất khẩu gạo. Cụ thể, gạo 5% tấm đạt 415 USD/tấn và 395 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Các chuyên gia cho rằng, giá gạo sẽ còn tiếp tục xu thế tăng, vì tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm 2021. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng vốn từng bị đứt gãy do đại dịch đang được kết nối lại giúp cho sức mua bán tăng lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý 1/2022, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,48 triệu tấn với 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tiếp tục mang lại cho gạo Việt Nam nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là các loại gạo chất lượng cao.
Sau 1 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU bởi chất lượng gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua đã không ngừng được cải thiện. Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng.
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, giá gạo Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đạt giá trị cao và hiện đang cao hơn giá gạo Thái Lan, bởi Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường "khó tính". Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
VTV.vn - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm tới nay, do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26962044051402202-gnat-cut-peit-eht-oc-oag-aig/et-hnik/nv.vtv